Rộn rã xuống đồng đầu năm mới

Từ các ngày mồng 4, 5 Tết, khắp các cánh đồng ở nhiều địa phương trong tỉnh bà con nông dân đã "xuất hành" ra đồng để chăm sóc cây trồng vụ đông - xuân…

… Sáng 8-2 (mùng 6 Tết) dù đã hơn 10 giờ trưa, nhưng trên các cánh đồng của huyện Ninh Phước vẫn có nhiều bà con đang cần mẫn chăm sóc lúa. Các bà, các chị lom khom dặm lúa, các anh, các chú mang thúng, mang bình bón phân, phun thuốc. Vụ đông - xuân thường là vụ đạt năng suất cao nhất trong năm nên bà con nông dân bao giờ cũng “chăm” kỹ hơn.

Nông dân chăm sóc lúa vụ đông-xuân. Ảnh Văn Miên

Với trên 900 ha ruộng, Phước Hậu là một trong những vùng trọng điểm trồng lúa của huyện Ninh Phước. Vụ đông-xuân đã được bà con xuống giống từ trước Tết Tân mão 2011, đến nay phần lớn diện tích lúa đang ở thời điểm cấy dặm.

Đang bón phân cho đám ruộng hai sào rưỡi hơn 30 ngày tuổi, Anh Đỗ Ngọc Thạch (Hiếu Lễ - Phước Hậu) hồ hởi: “Lúa nhà mình vừa dặm xong, nên mình bón phân cho thân cứng cáp. Mấy ngày Tết vừa rồi mình cũng ra thăm đồng, theo nước.”.

Thấy một cô nông dân đang dặm lúa bằng một nông cụ trông lạ mắt, chúng tôi hỏi thử thì được cô Võ Thị Hồng (Hoài Nhơn – Phước Hậu) giới thiệu :“Cây móc dặm lúa này mua có 10.000 đồng thôi, nhưng dùng thì đỡ mỏi lưng mà nhanh nữa. Như ba sào lúa này, một mình có thể dặm trong một ngày”.

Đến đồng lúa Phước Hữu vào thời gian này cũng sẽ thấy một màu xanh bát ngát của những cánh đồng lúa non. Dưới nắng xuân ấm áp, mỗi thân lúa bé nhỏ là một mầm hy vọng đang được bà con nông dân nuôi dưỡng bằng tất cả niềm tin.

Ông Vạn Dẻ (Hữu Đức – Phước Hữu) đang phun thuốc cho 8 sào lúa 20 ngày tuổi, cho biết: “Mùa này ít sâu bệnh so với những mùa khác nên bà con đỡ vất vả hơn… sợ nhất là rầy nâu.”.

Chị Quảng Thị Đây ở Hậu Sanh (Phước Hữu) cũng vui vẻ: “ Vụ này gieo lúa ít hư nên không tốn nhiều công dặm. Lúa nhà mình được 20 ngày tuổi rồi, dặm xong là mình phun thuốc luôn. Nếu vụ này được thì sẽ mua dàn máy vi tính cho con đi học.”

Gác lại chuyện Tết “nhất”, từ sáng mùng 3 Tết, ông Hán Chữ (Phước Nam – Thuận Nam) đã “vai mang bình xịt” ra ruộng. “Mình nghỉ vài ngày thôi, để tụi nhỏ vui. Lúa đang đẻ nhánh mà mình không tranh thủ phun thuốc đúng định kỳ là bị sâu rầy liền ”-ông Chữ cười nói vậy.

Dọc dài các cánh đồng ở Phước Nam (Thuận Nam), Phước Hải, An Hải (Ninh Phước), những ngày đầu xuân đã thấy thấp thoáng bòng dáng nông dân. Hỏi thăm, bà con bảo, năm nay thời tiết hơi nghịch – đầu năm vẫn còn lạnh – nên nếu không chăm sóc kỹ, cây trồng dễ mất năng suất.

Tại huyện Ninh Hải, để đảm bảo năng suất cây trồng, sau 3 ngày vui Tết tân mão 2011, nông dân đã bắt đầu ra đồng chăm sóc lúa vụ đông - xuân. Có mặt tại một số cánh đồng lúa ở các xã Xuân Hải, Hộ Hải, Phương Hải vào sáng mùng 6 Tết, chúng tôi nhận thấy nhiều nông dân đang nhổ cỏ và bón phân đợt đầu cho lúa, ai cũng phấn khởi hy vọng một vụ mùa được bội thu.

Đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết để các địa phương triển khai gieo trồng hợp lý, đúng kế hoạch, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn bà con sử dụng các loại giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, dễ chăm sóc, nhưng có khả năng kháng rầy nâu và các bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, cơ cấu và thứ tự ưu tiên được xác định: đối với lúa hạt dài sử dụng giống VNĐ 95-20, OM 3536 hoặc giống lúa hạt tròn ML 202, TH 6, TH 41... ; đồng thời khuyến cáo bà con nông dân khi xuống giống lúa cần xuống đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, từng xứ đồng. Ở những vùng nước tưới bấp bênh, vùng ruộng gò khó theo nước nên có kế hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng như hành, tỏi, rau đậu các loại... đảm bảo tiết kiệm nước để tăng cường tưới cho các vùng khác một cách hợp lý.

Tính đến đầu tháng 2 này, toàn huyện Ninh Hải gieo trồng được 2.300 ha cây trồng các loại. Trong đó, cây lúa trên 2.000 ha, tập trung ở các xã Xuân Hải, Hộ Hải, Khánh Hải, Tân Hải, Phương Hải… và các loại cây trồng khác như: hành, tỏi, rau, đậu các loại trên 200 ha.

Dư âm rộn ràng của những ngày xuân dường như vẫn còn, nhưng nông dân vẫn chăm lo công việc đồng áng của mình. Không khí Tết đang được bà con chuyển dần từ trong nhà ra ngoài đồng, ai cũng cầu mong cho cả năm mùa màng bội thu. Nắng vẫn óng ả trải dài trên khắp nẻo quê hương và lúa vẫn mượt mà, xanh thẫm ruộng đồng.