Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tỉnh ta được xác định là thế mạnh và thực tế những năm qua đã không ngừng phát triển, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quan trọng.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tỉnh ta được xác định là thế mạnh và thực tế những năm qua đã không ngừng phát triển, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quan trọng. Anh Nguyễn Khắc Lâm, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh nhận xét: “Ngoài việc khai thác và sử dụng diện tích đất và mặt nước để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, NTTS còn giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động, giúp hàng ngàn ngư dân có thu nhập ổn định”.

Thu hoạch tôm

Nhận xét trên có thể chứng minh qua những con số cụ thể trong năm 2010. Tổng diện tích tôm thịt thả nuôi 961 ha (đạt 108% kế hoạch) cho sản lượng 7.176 tấn (bao gồm 485 tấn tôm sú và 6.691 tấn tôm thẻ chân trắng), vượt 2,5% kế hoạch. Đặc biệt đối với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy tình hình thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục phát triển ổn định và có hiệu quả, năng suất rất cao 18 - 20 tấn/ha/vụ. Ở các thôn Khánh Hội (Tri Hải) và Mỹ Tân (Thanh Hải, Ninh Hải), nghề nuôi ốc hương thương phẩm tiếp tục phát triển với khoảng 170 lồng và trên 7 ha diện tích ao đìa nuôi, đạt sản lượng 35 tấn. So với năm 2009, số lồng, diện tích nuôi và sản lượng có giảm nhưng nhiều hộ nuôi vẫn lãi từ 100 đến 200 triệu đồng. Nghề nuôi tôm hùm cũng được duy trì và phát triển ở các khu vực Bình Tiên (Công Hải, Thuận Bắc), Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải) và Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) với 365 lồng nuôi, sản lượng trên 15 tấn. Nghề trồng rong sụn ven biển tuy gặp khó khăn hơn, diện tích chỉ bằng nửa năm trước nhưng đã giải quyết việc làm ổn định cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, nghề nuôi cá nước ngọt cũng đang phát triển ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Bắc với diện tích 235 ha, với một số mô hình được đánh giá có hiệu quả và đang được nhân rộng.

Theo Chi cục NTTS, hiện nay các đối tượng nuôi như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương đã chủ động được nguồn giống, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được hình thành và nhân rộng. Đáng nói là ý thức nông dân về bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, chấp hành tốt các chủ trương của địa phương về mùa vụ nuôi và tuân thủ việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất theo quy định. Tuy nhiên bên cạnh đó NTTS vẫn bộc lộ mặt tồn tại đáng quan tâm. Trước hết là dấu hiệu suy thoái và ô nhiễm môi trường, tình trạng xả thải tràn lan ở các khu sản xuất giống ốc hương, vùng nuôi thương phẩm làm dịch bệnh phát triển lây lan diện rộng. Dịch bệnh tôm nuôi có xu hướng tăng, trong năm qua có 160 ha ao đìa nuôi tôm bị dịch bệnh, trong đó một số bệnh mới chưa tìm được nguyên nhân. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghề nuôi như điện, đường vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Nghề nuôi cá nước ngọt dù phát triển nhưng còn nhỏ lẻ, chỉ tập trung vào các đối tượng nuôi truyền thống giá trị kinh tế thấp, chưa khai thác hết những lợi thế về điều kiện tự nhiên.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng NTTS, anh Nguyễn Khắc Lâm cho biết: “Để khắc phục tồn tại nói trên, Chi cục NTTS đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó việc cần làm là tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực hiện đồng bộ các chương trình phát triển NTTS trên cơ sở quy hoạch đã được công bố”. Trong năm 2011, Chi cục NTTS đề xuất tỉnh tập trung hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi như các dự án Sơn Hải (Phước Dinh, Thuận Nam), An Hải và đầm Nại; đồng thời khảo sát quy hoạch bổ sung hệ thống thoát nước ở một số khu vực nuôi An Hải, Phước Dinh…, nhằm giảm thiểu khả năng ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình sản xuất tổ cộng đồng, các mô hình GAP, CoC trong nuôi tôm. Đối với nghề nuôi thủy sản nước ngọt, sẽ nghiên cứu và triển khai nhân rộng một số mô hình nuôi các đối tượng có giá trị như: tôm càng xanh, cá điêu hồng, cá chình, cá tra, cá ba sa... Ngoài ra Chi cục NTTS khuyến khích nông dân áp dụng các mô hình nuôi luân canh, xen canh và đa dạng các đối tượng nuôi. Đây là giải pháp không chỉ tạo điều kiện khai thác hiệu quả diện tích đất, mặt nước NTTS mà còn góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh.