Nông dân Ninh Sơn thu hoạch mì. Ảnh: Văn Miên
Nhìn lại hoạt động sản xuất cây nguyên liệu mía, mì ở Ninh Sơn có thể thấy, điểm yếu tồn tại trước đây là năng suất thấp, chi phí nhân công cao nên lợi nhuận thu được chưa tương xứng với công sức của hộ trồng. Từ hạn chế này, khi thị trường có dấu hiệu mất ổn định, doanh nghiệp thu mua không kịp là diễn ra cảnh sản phẩm mía, mì ứ đọng với khối lượng lớn, gây nhiều thiệt hại cho nông dân. Để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đảm bảo hộ trồng có lãi, huyện Ninh Sơn đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Đối với cây mía, bắt đầu từ năm 2014, tranh thủ hỗ trợ của ngành chức năng, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang phối hợp với địa phương triển khai chương trình thay giống mía cũ bằng giống mía mới K88-92, K95-84, K95-156, YM55-14 cho năng suất, chữ đường cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng khu vực.
Cùng với đó, từ nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã hỗ trợ nông dân đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất, giảm chi phí đầu vào. Hiện nay, các khâu làm đất, xuống giống, bón phân được thực hiện bằng máy đa năng hiện đại. Hoạt động sản xuất mía của nông dân Ninh Sơn có sự quan tâm của ngành chức năng, các đơn vị, hộ trồng luôn được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi. Hằng năm, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang đầu tư cho các hộ trồng mía hàng trăm triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước sử dụng năng lượng mặt trời nhằm duy trì sản xuất trong điều kiện thời tiết nắng hạn. Công tác hỗ trợ sản xuất được tăng cường, tạo thuận lợi để nông dân mở rộng sản xuất với quy mô lớn, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều các tỷ phú “chân đất”. Diện tích và năng suất cây mía vì thế ngày càng tăng, niên vụ 2016-2017 đạt 3.100 ha, tăng 100 ha so với niên vụ 2015-2016. Nghề trồng mía Ninh Sơn hướng đến phát triển bền vững, có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đầu tư vốn cho nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Huyện đang phối hợp với doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai mô hình cánh đồng lớn ở niên vụ mía 2017-2018 tại xã Quảng Sơn, quy mô 180,6 ha với sự tham gia của 60 hộ.
Nông dân xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) liên kết với doanh nghiệp sản xuất mía có hiệu quả. Ảnh: A.T
Từ hoạch định xây dựng vùng nguyên liệu đúng hướng, đã thúc đẩy nghề trồng mía ở Ninh Sơn phát triển và đạt được mục tiêu của Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thời điểm hiện nay, nông dân trên địa bàn đang thu hoạch vụ mía 2016-2017, năng suất bình quân đạt 70 tấn/ha, cao nhất kể từ trước đến nay. Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Với diện tích mía lớn như hiện nay, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang phải mở máy chạy liên tục 5 tháng liền mới tiêu thụ hết sản phẩm của nông dân. Mong muốn chung của nông dân là được doanh nghiệp thu mua càng nhanh càng tốt, không muốn kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến sản xuất vụ tiếp theo. Về phía doanh nghiệp, cũng đã thực hiện cam kết thu mua sản phẩm cho bà con như trong hợp đồng ký kết từ đầu vụ, nhưng đang gặp khó khăn do tác động của thị trường mía đường trong khu vực đẩy giá nguyên liệu giảm sâu. Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, các hộ trồng mía đã đồng ý điều chỉnh giá mía trong hợp đồng từ 860.000 đồng/tấn xuống còn 800.000 đồng, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên tham gia mối liên kết.
Cùng với cây mía, sản xuất mì cũng có chuyển biến tích cực, nhờ huyện tổ chức thực hiện tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Đến thời điểm hiện nay, Nhà máy Chế biến tinh bột mỳ Fococev-Ninh Sơn đang gấp rút thu mua mì niên vụ 2016 - 2017 với giá 2.050 đồng/kg, mức cao nhất kể từ trước đến nay, tạo niềm vui phấn khởi cho nông dân an tâm tiếp tục đầu tư sản xuất ở vụ tới. Hướng đến phát triển bền vững, huyện đang triển khai mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mì niên vụ 2017-2018, coi đó là giải pháp tạo đầu ra ổn định cho vùng nguyên liệu. Từ chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 5 tổ, nhóm với 165 hộ liên kết với doanh nghiệp sản xuất 354,9 ha mì theo mô hình cánh đồng lớn.
Anh Tùng