Chuyên gia Mỹ đánh giá về năng lực chế tạo ICBM của Triều Tiên

Ngày 31-12, chuyên gia Robert Manning (Rô-bớt Man-ninh), thành viên Hội đồng Atlantic ở Washington nhận định Triều Tiên cần vài năm nữa mới có được một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân tới đại lục Mỹ.

Theo ông Manning, trái ngược với tuyên bố của Triều Tiên, Bình Nhưỡng chưa có được năng lực tấn công bất kỳ địa điểm nào trên lãnh thổ Mỹ với một tên lửa đạn đạo có gắn đầu đạn hạt nhân. Ông Manning nói: "Ít nhất trong 2 hoặc 3 năm nữa Triều Tiên mới có được một ICBM sẵn sàng hoạt động và đáng tin cậy, có khả năng đưa một vũ khí hạt nhân tới đại lục Mỹ". Chuyên gia Mỹ nêu rõ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un) vẫn chưa chứng minh được năng lực phóng ICBM và có một hệ thống dẫn đường hiệu quả, một vũ khí hạt nhân có khả năng quay trở về khí quyển và bắn trúng mục tiêu.

Cũng theo ông Manning, trong thời gian còn lại, nếu được thực hiện đầy đủ, các biện pháp trừng phạt có thể vẫn buộc Bình Nhưỡng phải cân nhắc lại việc phát triển vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh "Trung Quốc đang gần như thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt và những biện pháp trừng phạt này bắt đầu có tác dụng, gây trở ngại cho nền kinh tế Triều Tiên".

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Washington dẫn lời cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mike Mullen (Mai-cơ Mu-len), cho biết Mỹ hiện đang tiến gần hơn bao giờ hết tới một cuộc chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên trong bối cảnh ít có triển vọng về một giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Phát biểu với hãng tin ABC, ông Mullen nhận định "bầu không khí đặc biệt nguy hiểm đang hiện hữu và không rõ tình trạng này sẽ kết thúc như thế nào". Theo ông, Mỹ thực sự đang tiến gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên và nguy cơ chiến tranh tại khu vực này lớn hơn bao giờ hết.

Cho đến nay, Liên hợp quốc (LHQ) cùng các cường quốc trên thế giới đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, gồm cấm vận vũ khí, cấm xuất khẩu những mặt hàng như than, dệt may, hải sản, quặng và một số khoáng sản khác... Các biện pháp trừng phạt nhằm cắt đứt nguồn kinh phí cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng và gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gần đây gia tăng, nhất là sau vụ thử tên lửa hồi cuối tháng 11 năm ngoái của Triều Tiên.

Theo TTXVN