1. Trong tuần thông tin rất đáng chú ý, đó là Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 19-12 đã gia hạn quyết định cho phép các cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc cùng các đối tác được sử dụng các tuyến đường từ Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan vượt qua những chiến tuyến xung đột và biên giới để vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho hàng triệu người ở miền Tây Bắc và Nam Syria. Nghị quyết nhận được 12 phiếu thuận và 3 phiếu trắng của Bolivia, Trung Quốc và Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong nghị quyết này, Hội đồng bảo an gồm 15 thành viên kêu gọi giới chức Syria đáp ứng mọi yêu cầu của Liên hợp quốc và các đối tác thực thi của tổ chức này về việc vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân đang sống tại các khu vực do phe đối lập kiểm soát. Ngoài ra, Hội đồng bảo an cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria đồng thời hối thúc tất cả các bên liên quan tạo điều kiện cho một cuộc chuyển giao chính trị do người Syria chủ động dẫn dắt để chấm dứt cuộc xung đột.
Tháng 7-2014, HĐBA lần đầu tiên thông qua nghị quyết cho việc sử dụng các tuyến đường vượt qua những chiến tuyến xung đột để vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân Syria đồng thời giao nhiệm vụ cho Liên hợp quốc giám sát tiến trình bốc dỡ hàng hóa nhằm đảm bảo rằng tất cả các mặt hàng đều chỉ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Theo quyết định gia hạn mới được thông qua, hoạt động cứu trợ này sẽ kéo dài tới ngày 10-1-2019.
2. Vấn đề cũng rất đáng quan tâm, đó là Nga chỉ trích biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Điện Kremlin ngày 21-12 đã chỉ trích lệnh trừng phạt mới nhất mà Mỹ áp đặt đối với 5 công dân Nga, coi động thái này là "bất hợp pháp và thù địch", đồng thời khẳng định Moskva sẽ đáp trả tương xứng.
Hôm 20-12, Bộ Tài chính Mỹ đã bổ sung 5 công dân Nga vào danh sách bị áp đặt trừng phạt theo cái gọi là “Đạo luật nhân quyền Magnitsky” mà Quốc hội Mỹ thông qua từ cuối năm 2012. Trong số 5 người bị bổ sung vào danh sách đen của Mỹ có nhà lãnh đạo CH Chechnya thuộc Nga Ramzan Kadyrov, với cái cớ mà Mỹ đưa ra là đã có những hành vi tra tấn hoặc giết người trái luật. Theo luật của Mỹ, các cá nhân nằm trong danh sách này sẽ bị phong tỏa toàn bộ tài sản tại Mỹ và cấm làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ. Như vậy, tính đến nay đã có 49 người Nga bị Mỹ đưa vào danh sách này.
Bộ Tài chính Mỹ đưa ra quyết định trên sau khi Nga thông báo nước này đang chuẩn bị các phương án đối phó trước khả năng Mỹ và các nước khác áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Trong thông báo, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nêu rõ Nga "đang chuẩn bị và đang thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích của đất nước đối phó với các biện pháp hạn chế và các lệnh trừng phạt mới mà một số nước có thể áp đặt đối với Nga".
Hồi tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành thành luật các biện pháp trừng phạt mới áp đặt với Nga sau khi dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua. Ngày 14-12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt với Nga sau khi hết hạn ngày 31-1-2018. Nga cũng áp đặt nhiều biện pháp đáp trả phương Tây.
3. Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không kèm theo các điều kiện tiên quyết với hy vọng có thể cải thiện mối quan hệ liên Triều.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 22-12, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon nêu rõ Hàn Quốc "sẵn sàng đối thoại về những vấn đề liên quan đến Bình Nhưỡng trong tâm thế cởi mở và không kèm theo các điều kiện". Ông nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ nỗ lực khôi phục mối quan hệ liên Triều vốn đang căng thẳng và thúc đẩy những mối quan hệ tốt hơn để có thể giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Quan chức này cũng kỳ vọng vào sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội (Olympics) mùa Đông dự kiến diễn ra tại Pyeongchang vào năm tới, cho rằng đây sẽ là một dịp tốt đối với Bình Nhưỡng nếu muốn tìm kiếm đàm phán.
Liên quan đến các cuộc đối thoại liên Triều, một quan chức chính phủ cấp cao giấu tên của Hàn Quốc cùng ngày nhấn mạnh sự cần thiết phải thăm dò ý định của Triều Tiên về việc tiến hành các cuộc đàm phán trong bối cảnh các kênh liên lạc đã bị đóng băng. Quan chức này nêu rõ: "Cần phải thăm dò mong muốn của mỗi bên thông qua tổ chức các cuộc gặp gỡ mà không đi kèm bất kỳ điều kiện nào. Sẽ có những bất đồng cũng như những điểm tương đồng, song hai bên có thể đạt được sự thỏa hiệp". Ông cũng khẳng định Hàn Quốc sẵn sàng đưa ra những đề xuất đối thoại bổ sung đối với Triều Tiên, và "nếu Bình Nhưỡng đề xuất đối thoại, Seoul sẵn sàng tích cực xem xét".
Chính phủ Hàn Quốc đang hy vọng Olympics sắp tới với sự tham dự của Triều Tiên có thể mang lại một bầu không khí hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên. Ngày 19-12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất hoãn các cuộc tập trận quân sự chung giữa Seoul và Washington, hoạt động mà Bình Nhưỡng luôn phản đối mạnh mẽ, nhằm giảm căng thẳng trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông.
CĐ