1. Đối với Diễn đàn APEC
Với tư cách chủ nhà của Năm APEC 2017, Việt Nam đã phối hợp với các thành viên APEC tổ chức thành công 243 sự kiện tại 10 tỉnh, thành trên cả nước, gồm 8 Hội nghị và Đối thoại cấp Bộ trưởng, 8 Hội nghị quan chức Cao cấp (SOM), với sự tham dự của 21.000 đại biểu.
Tuần lễ Cấp cao APEC, đỉnh cao của Năm APEC 2017, diễn ra từ ngày 6 đến 11-11-2017 tại Đà Nẵng, gồm các hoạt động chính: Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25; Đối thoại Cấp cao không chính thức APEC và ASEAN; Tiệc chiêu đãi, biểu diễn nghệ thuật chào mừng các nhà Lãnh đạo APEC và Phu nhân/phu quân; Đối thoại các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC và Hội đồng tư pháp doanh nghiệp APEC; Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC lần thứ 29, Hội nghị Tổng kết các quan chức cao cấp APEC; Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Trong dịp này, Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam.
Mục đích đăng cai Năm APEC 2017: (i) khẳng định chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả đối thoại đa phương, phát huy vai trò, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương; (ii) đóng góp vào tiến trình hợp tác APEC, tạo dấu ấn Việt Nam về nội dung và tổ chức, góp phần củng cố xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, nâng cao vị thế APEC; (iii) làm sâu sắc quan hệ, gắn kết với các đối tác, các thành viên, các doanh nghiệp, bạn bè khu vực; (iv) cơ hội phát triển, quảng bá vùng miền, địa phương, doanh nghiệp, người dân; (v) khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp về chủ trương cải cách sâu rộng, chính sách thương mại, đầu tư thông thoáng, nỗ lực thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, phù hợp với các cam kết quốc tế, đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp khu vực.
Để thúc đẩy triển khai các mục tiêu đó, tháng 7-2015, Ủy ban Quốc gia APEC 2017 (sau đây gọi tắt là Ủy ban Quốc gia) được thành lập theo Quyết định số 1082/QĐ-TTg ngày 16-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là Chủ tịch Ủy ban, và gồm Ủy viên là Lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành và thành phố sẽ tham gia trực tiếp vào công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017.
Ủy ban Quốc gia có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hòa, đôn đốc và phối hợp việc chuẩn bị và tổ chức các hoạt động của Diễn đàn APEC tại Việt Nam trong năm 2017 và trong quá trình chuẩn bị của các cơ quan, địa phương liên quan.
Bộ phận thường trực giúp việc cho Ủy ban Quốc gia là Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, do Bộ Ngoại giao chủ trì và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban, gồm đại diện của Văn phòng Chính phủ và 14 bộ, cơ quan liên quan. 5 tiểu ban trực thuộc Ủy ban Quốc gia gồm Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Vật chất và Hậu cần, Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa, Tiểu ban Lễ tân.
Đến nay, có thể khẳng định rằng, Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao đã thành công rực rỡ toàn diện, từ khâu tổ chức, chủ trì điều hành, đến nội dung, lễ tân, cơ sở vật chất-hậu cần, văn hóa-tuyên truyền, an ninh-y tế và trên mọi mặt về cả đa phương và song phương.
- Đối với Diễn đàn APEC, kết quả quan trọng nhất là APEC tiếp tục giữ vững đà hợp tác, liên kết kinh tế, phát huy vai trò là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, duy trì giá trị cốt lõi của APEC là tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Đây là một trong số ít Tuần lễ cấp cao trong 10 năm qua có sự tham dự đông đủ của tất cả 21 nhà lãnh đạo APEC. Điều này thể hiện cam kết, quyết tâm chính trị của các thành viên đối với Diễn đàn và với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong toàn bộ 243 hoạt động mà nước ta tổ chức trong năm qua đã có hơn 21.000 lượt người tham dự, riêng Tuần lễ Cấp cao là khoảng 11.000 lượt người, là con số đông đảo nhất những năm gần đây. Những con số này nói lên sự quan tâm to lớn của thế giới và khu vực đối với APEC và Tuần lễ Cấp cao.
- Các kết quả năm nay đã tạo nền tảng quan trọng cho hợp tác của APEC trong giai đoạn mới. Tuần lễ Cấp cao đã thông qua 8 văn kiện quan trọng, nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế. Lần đầu tiên, APEC nhất trí thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội và khởi nghiệp sáng tạo.
- Các nhà lãnh đạo APEC cũng đã đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác APEC đến năm 2020 và chuẩn bị tầm nhìn sau năm 2020, hướng tới một APEC vì người dân và vì doanh nghiệp; góp phần xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng; phát huy vai trò lãnh đạo của APEC trong ứng phó các thách thức mới trên toàn cầu. Theo đó, các thành viên nhất trí thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC.
- Những thành tựu nổi bật và vai trò trung tâm của ASEAN được đặc biệt đề cao trong suốt cả năm qua. Lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC tiến hành đối thoại với lãnh đạo của tất cả 10 thành viên ASEAN nhằm tăng cường phối hợp trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Trong nhiều thời điểm thách thức, khó khăn trong năm qua, các thành viên ASEAN đã phát huy đoàn kết, thể hiện vai trò nòng cốt thúc đẩy các giá trị và đồng thuận của APEC.
2. Lợi ích đối với Việt Nam
Chúng ta đã đạt được tất cả các mục tiêu lớn đề ra, là nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nền kinh tế APEC, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC, và quảng bá tiềm năng phát triển, kinh doanh của Việt Nam.
Thứ nhất, đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương với mục tiêu cao nhất là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ hai, đã tận dụng hiệu quả các hoạt động của APEC trong năm qua để nâng tầm, tạo đan xen lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác lớn đi vào chiều sâu. Trong dịp này, đã có 2 chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ, 2 chuyến thăm chính thức của Tổng thống Chi-lê và Thủ tướng Ca-na-đa. Đây đều là những chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam và đạt được các thỏa thuận mang tầm chiến lược, mở ra những trang mới cho quan hệ của Việt Nam với các đối tác. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng và cũng là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên lên cầm quyền. Điều đó cho thấy vị thế mới của đất nước. Bên cạnh đó, đã diễn ra trên 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao nước ta với các đối tác.
Thứ ba, đã ký tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng với các đối tác có tổng trị giá gần 20 tỷ USD. Nhiều bè bạn, đối tác, trong đó có Nga, Trung Quốc, Lào, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân đã các nhiều hình thức trợ giúp với tổng trị giá khoảng 9 triệu USD dành cho bà con ở các tỉnh miền Trung đã trải qua những mất mát do con bão số 12 gây ra. Đây là những sự động viên kịp thời, đầy tình nghĩa bạn bè, tương thân tương ái.
Thứ tư, đã quảng bá tiềm năng, cơ hội mới về phát triển, kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối, du lịch của nước ta. Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã thu hút con số kỷ lục hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp quốc tế. Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam có khoảng 2.200 doanh nghiệp tham dự, trong đó khoảng 850 doanh nghiệp Việt Nam. Nhân dịp các hoạt động APEC đã có hơn 80 cuộc gặp gỡ, kết nối giữa địa phương với các doanh nghiệp. Nhiều kế hoạch hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp đã được hình thành.
Thứ năm, thông qua APEC, các nền kinh tế khu vực đã biết đến sự năng động và đổi mới của kinh tế Việt Nam, mở ra hy vọng về làn sóng đầu tư, thương mại, du lịch mới vào Việt Nam. Các chương trình văn hóa, quảng bá Việt Nam với APEC và thế giới với Việt Nam, như Công viên APEC tại Đà Nẵng, đã cho thấy một Việt Nam giàu truyền thống và đổi mới, sáng tạo.
Thứ sáu, APEC là diễn đàn đa phương lớn nhất có sự tham gia rộng rãi của các bộ, ngành và địa phương. Đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, đã trưởng thành về năng lực điều hành, tổ chức, ngoại ngữ. APEC 2017 đã tạo cơ sở hình thành, phát triển văn hóa hội nhập phục vụ thời kỳ đổi mới đồng bộ, toàn diện và hội nhập sâu rộng của đất nước và hình thành một thế hệ mới có tình cảm với Việt Nam.
3. Năm APEC 2017 khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và APEC năm nay có rất nhiều diễn biến phức tạp, có thể khẳng định chúng ta đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà, dẫn dắt hợp tác APEC trong năm nay.
Một là, ta đã lựa chọn chủ đề và các ưu tiên phù hợp với quan tâm chung, định hướng cho hợp tác cả năm, thúc đẩy các nội dung hợp tác cốt lõi của APEC. Chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” cùng bốn ưu tiên nước ta đề xuất đều được các thành viên ủng hộ và nhất trí cao. Đó là các ưu tiên: (i) Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (ii) Đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; (iii) Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; (iv) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Những nội dung này cũng phản ánh yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong giai đoạn hội nhập sâu rộng. Trong bối cảnh rất khó khăn của năm nay, việc ta thúc đẩy được liên kết kinh tế khu vực, tự do hóa thương mại và đầu tư, duy trì cam kết của APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương là một thành công lớn.
Hai là, trong bối cảnh Năm APEC 2017 xuất hiện nhiều khác biệt về quan điểm giữa các thành viên về các vấn đề thương mại, đầu tư tự do, mở, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, chúng ta đã điều hòa khác biệt giữa các thành viên, tạo không khí hợp tác, xây dựng, tạo đồng thuận chung. Chúng ta tìm ra điểm tương đồng để định hướng thảo luận, hợp tác của các thành viên, điển hình là việc đề xuất các sáng kiến về thúc đẩy phát triển bao trùm, xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020. Đây là hai vấn đề mới, song được tất cả thành viên nhất trí thúc đẩy.
Ba là, chúng ta đã thể hiện rõ bản lĩnh Việt Nam trong việc xử lý những khác biệt rất lớn giữa các thành viên, vững vàng trong những thời điểm khủng hoảng, thậm chí gần đổ vỡ trong thương lượng văn kiện. Vị thế đất nước, sức mạnh mềm của Việt Nam thực sự đã giúp chúng ta điều hành, dẫn dắt hợp tác APEC; đồng thời, thành công APEC 2017 cũng góp phần gia tăng vị thế, sức mạnh mềm của đất nước.
Bốn là, dưới sự chủ trì của Việt Nam, APEC đã thông qua được rất nhiều văn kiện hợp tác. Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao do chúng ta chủ trì soạn thảo được các thành viên đánh giá là ngắn gọn, súc tích, mang tầm chiến lược, và có những ngôn ngữ mạnh mẽ về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, mà trước đó Hội nghị G-20 cũng không đạt được.
Năm là, chúng ta đã làm tốt công tác tổ chức với phương châm “Trọng thị, chu đáo, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm”. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như thời tiết, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, nhưng chúng ta đã nỗ lực cao để bảo đảm Năm APEC và Tuần lễ Cấp cao diễn ra thành công, để lại ấn tượng tổt đẹp cho các nhà lãnh đạo, các đại biểu và bạn bè quốc tế.
II. Ý nghĩa của Năm APEC 2017
- Là thành tựu lớn của đối ngoại Việt Nam trong năm 2017 và cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, tích cực tham gia đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương.
- Góp phần làm sâu sắc quan hệ của nước ta với các đối tác then chốt ở khu vực, với các chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 19. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngay trong năm đầu tiên lên cầm quyền. Chúng ta cũng đã nâng cấp quan hệ với Canada lên đối tác toàn diện nhân dịp chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đến Việt Nam; nâng cấp quan hệ với Australia hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Qua đó, nâng tổng số đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam lên 26.
- Góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế của APEC, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu; thể hiện vai trò then chốt của APEC trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; khẳng định vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.
- Góp phần củng cố vai trò và sự đoàn kết của ASEAN trong APEC và trong cấu trúc khu vực đang định hình thông qua hàng loạt các hoạt động hội tụ sự gắn kết ASEAN, nổi bật là Đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với 10 lãnh đạo ASEAN.
- Ở tầm toàn cầu, các kết quả Năm APEC 2017 tạo bước ngoặt lịch sử đối với việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, củng cố vai trò của hệ thống thương mại đa phương WTO; mở ra triển vọng mới tươi sáng hơn về phát triển kinh tế và thương mại toàn cầu.
- Góp phần tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và địa phương nước ta vào năng lực hội nhập quốc tế, khả năng đóng góp cho các hoạt động đối ngoại đa phương nói riêng và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước nói chung.
III. Nguyên nhân thành công
1. Về khách quan
Trong tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, song nhu cầu duy trì đà tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và hợp tác APEC vẫn là mẫu số chung, Việt Nam đã đánh giá đúng nhu cầu này, khéo léo thúc đẩy tìm tiếng nói chung.
2. Về chủ quan
Thứ nhất, đó là chủ trương đúng đắn và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong quyết định đăng cai Năm APEC 2017, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong vận động, chuẩn bị và tổ chức Năm APEC 2017 cũng như Tuần lễ Cấp cao.
Thứ hai, vị thế, uy tín của Việt Nam sau 30 năm đổi mới và hội nhập sâu rộng sự tin cậy, tình cảm quý mến của các thành viên và các lãnh đạo APEC đối với Việt Nam. Sự tham gia của tất cả các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị cấp cao là minh chứng rõ nét nhất. Tại những thời điểm khó khăn nhất, bạn bè luôn tin cậy, đánh giá cao “sức mạnh mềm” của ta và hỗ trợ để đi đến thành công.
Thứ ba, bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam đã giúp chúng ta có bước đi bài bản và tổng thể, xác định trúng vấn đề và thời điểm, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh. Từng sự kiện trong năm đều tạo điểm nhấn để vun đắp cho những kết quả quan trọng tại Hội nghị Cấp cao. Vào những thời điểm có nguy cơ đổ vỡ, chúng ta vẫn kiên cường, bản lĩnh, phối hợp với các đối tác tìm ra hướng đi phù hợp.
Thứ tư, chúng ta đã chủ động sớm chuẩn bị, thành lập bộ máy gồm các bộ, ngành, địa phương từ tháng 12-2014, kiện toàn bộ máy theo từng giai đoạn, phù hợp với lộ trình chuẩn bị. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia APEC 2017 với năm Tiểu ban Nội dung, Lễ tân, An ninh và Y tế, Tuyên truyền và Văn hóa, Vật chất hậu cần và Ban Thư ký quốc gia APEC 2017 đã hoạt động hiệu quả, đôn đốc sát sao và trực tiếp triển khai các công tác chuẩn bị, tổ chức trong cả năm và đặc biệt tại Tuần lễ Cấp cao.
Thứ năm là nhờ sự đồng hành và ủng hộ của địa phương, doanh nghiệp và người dân. Tuần lễ Cấp cao APEC là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên quy mô lớn được tổ chức tại các khách sạn do các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp với gần 40 doanh nghiệp trong nước đã tham gia tài trợ, ủng hộ Chính phủ tổ chức Năm APEC 2017.
Cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay tổ chức ấn tượng Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, thể hiện sự vươn lên tầm quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo của 35 tỉnh, thành trong cả nước đã tham gia, góp phần vào các hoạt động APEC và 10 tỉnh, thành phố đã đăng cai các hoạt động APEC năm nay, đặc biệt là TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, đã phối hợp hiệu quả với Ủy ban quốc gia để tổ chức thành công các sự kiện. Nhiều nghệ nhân đã đóng góp công sức, tài năng và tiền của để tạo ra những quà tặng độc đáo và ý nghĩa. Có thể nói, lòng dân là một trong những nhân tố quyết định thành công của Năm APEC 2017.
Tựu chung lại, năm nay là một năm chúng ta triển khai rất xuất sắc đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XII về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đa phương và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta đảm nhiệm tiếp các trọng trách quốc tế lớn, nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.
IV. Những việc cần triển khai tiếp theo
- Việt Nam sẽ tiếp tục gánh vác trọng trách của chủ nhà APEC 2017 trong những năm tiếp theo. Trước mắt, Việt Nam ta sẽ cùng Papua New Guinea thúc đẩy tiếp các sáng kiến của năm nay, tham gia hoạch định các chính sách dài hạn của APEC, đặc biệt là tham gia Nhóm Tầm nhìn APEC để đóng góp định hình hướng đi của APEC đến năm 2030, qua đó thể hiện vai trò chủ động, tích cực đóng góp cho các quan tâm chung của khu vực và quốc tế. Theo đó, cần thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác APEC trên cơ sở các sáng kiến mà chúng ta đã đề xuất và được thông qua, trong đó chú trọng 8 lĩnh vực: (i) Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; (ii) Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; (iii) Tăng cường an ninh lương thực ứng phó với biến đổi khí hậu; (iv) Phát triển nông thôn-đô thị; (v) Phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; (vi) Tạo thuận lợi cho thương mại điện tử qua biên giới, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng; (vii) Phát triển công nghiệp hỗ trợ; (viii) Phát triển du lịch bền vững.
- Các bộ, ban, ngành và địa phương Việt Nam cũng sẽ phải thực hiện các cam kết trong khuôn khổ APEC, đặc biệt là các kết quả Năm APEC 2017, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện, tạo xung lực mới cho tăng trưởng của đất nước.
- Phát huy các kết quả của Năm APEC 2017 để tạo đà thuận lợi cho việc đảm nhận các trọng trách quốc tế quan trọng thời gian tới, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
- Các thành tựu và bài học kinh nghiệm của Năm APEC 2017; 40 năm tham gia Liên hợp quốc; hơn 20 năm gia nhập ASEM và ASEAN; 20 năm gia nhập APEC và 10 năm gia nhập WTO sẽ là nền tảng để xây dựng chiến lược đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như Thủ tướng Chính phủ đã đề ra tại Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030, nhằm tiếp tục góp phần nâng cao vị thế đất nước.
- Tiếp tục phát huy tinh thần khởi xướng, đóng góp của các doanh nghiệp, địa phương và người dân đối với tiến trình hội nhập quốc tế và các hoạt động đối ngoại đa phương nước ta sẽ đăng cai tổ chức thời gian tới. Đồng thời, tranh thủ hiệu quả các hoạt động này để quảng bá các thế mạnh và tiềm năng phát triển, kinh tế, thương mại, du lịch... của Việt Nam; tiếp tục nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các địa phương, doanh nghiệp và người dân, đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hóa hội nhập quốc tế.
Ban Tuyên giáo Trung ương