Theo báo cáo, trong năm 2017, Sở KH&CN tổ chức quản lý, theo dõi 52 đề tài, dự án; đồng thời, triển khai mới 21 đề tài. So với những năm trước, hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay có sự đổi mới, trong đó đáng chú ý là tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách thông thoáng tạo môi trường thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức thực hiện những đề tài, dự án có tính ứng dụng cao, đáp ứng đòi hỏi thực tế sản xuất trong điều kiện khí hậu nắng nóng như ở tỉnh ta. Các đề tài bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực giống mới, nông nghiệp công nghệ cao. Tiêu biểu như đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ, đội khai thác thủy sản trên vùng biển xa phù hợp với nghề cá hiện nay của tỉnh do Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm được coi là có tính mới, tính sáng tạo cao. Hay như đề tài Nghiên cứu xây dựng chuyển giao quy trình thâm canh giống nho mới NH01-152 theo hướng VietGAP do Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố làm chủ nhiệm đã nghiệm thu đưa vào sản xuất có kết quả đã thúc đẩy nghề trồng nho phát triển. Các dự án Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ vi sinh chế biến thức ăn gia súc từ nguyên liệu cây mì, bắp, cũng đã thúc đẩy ngành trồng trọt và chăn nuôi ở những vùng khô hạn phát triển, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
HTX Xuân Hải sản xuất sản phẩm măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ảnh: Ảnh Tùng
Năm qua, Sở KH&CN làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất UBND tỉnh công nhận 8 sản phẩm đặc thù (nho, táo, tỏi, dê, cừu, tôm giống, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc) để có cơ sở tập trung đầu tư phát triển theo hướng coi trọng vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi giá trị. Không dừng lại đó, nỗ lực của ngành chức năng trong việc lập hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, bằng hình thức cấp vốn để nông dân nuôi cừu vỗ béo, thu mua toàn bộ sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích cho các thành phần tham gia chuỗi giá trị.
Xác định doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của đổi mới, năm 2017, Sở KH&CN đã hỗ trợ 18 doanh nghiệp đăng ký mã vạch chuyển giao công nghệ bảo quản các mặt hàng nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm đặc thù của tỉnh trên thị trường. Cụ thể, hỗ trợ Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận ứng dụng công nghệ màng MAP bảo quản măng tây xanh tươi. Với việc kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm lên 28 ngày vẫn đạt chất lượng theo tiêu chuẩn, đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa tiêu thụ khắp mọi miền đất nước và hướng tới xuất khẩu. Anh Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận, cho biết: Chương trình hỗ trợ về KH&CN đã tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Sau khi tiếp cận công nghệ bảo quản tiên tiến, công ty đã mạnh dạn cung cấp giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân xã An Hải (Ninh Phước) trồng mới 20 ha măng tây xanh.
Theo đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, năm 2017 lĩnh vực KH&CN đạt được nhiều kết quả đó là nhờ UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới hoạt động quản lý, thực hiện cơ chế đặt hàng khoán đến sản phẩm cuối cùng, nên nội dung các đề tài, dự án hướng vào giải quyết những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Công tác liên kết, hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh cũng có tác dụng giúp các tổ chức, cá nhân nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới đưa vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Để KH&CN thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, định hướng năm 2018 ưu tiên triển khai, thực hiện các đề tài, dự án phục vụ Chương trình Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo.
Anh Tùng