Năm 2017 đánh dấu bước chuyển biến mới trong thực hiện nhiệm vụ của BPT là xác định được những loại cây trồng, vật nuôi tiêu biểu để tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Từ nỗ lực trong việc khảo sát tình hình sản xuất nông nghiệp, BPT đã tham mưu UBND tỉnh tôn vinh, bình chọn 8 sản phẩm đặc thù, gồm: Nho, táo, tỏi, dê, cừu, tôm giống, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc. Kết quả này góp phần vào việc thực hiện công tác hỗ trợ xây dựng thương hiệu đi vào trọng tâm, trọng điểm, thiết thực hơn. Nếu như năm 2016, BPT chỉ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại kết nối cung - cầu, thì năm nay phạm vi hỗ trợ được mở rộng sang cả xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Cụ thể, Cơ sở dê cừu Triệu Tín, Công ty TNHH Yến sào Ninh Thuận được hỗ trợ mở 3 điểm kinh doanh và giới thiệu mặt hàng thịt dê, cừu, măng tây xanh, yến sào… phục vụ đông đảo du khách khi đến Ninh Thuận, danh tiếng các sản phẩm đặc thù của tỉnh vì thế được nhiều người biết đến.
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận.
Xác định việc làm tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm đặc thù trên thị trường trong và ngoài nước, với vai trò thành viên của BPT, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã hỗ trợ 38 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh măng tây xanh, tôm giống, nước mắm, táo, tỏi, yến sào, với tổng số tiền 310 triệu đồng để đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm. Hoạt động hỗ trợ xây dựng hồ sơ bảo hộ các sản phẩm đặc thù cũng được tăng cường. Năm nay, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với 3 sản phẩm đặc thù (heo đen Bác Ái, Nho VietGAP Văn Hải, du lịch Ninh Thuận), Sở KH&CN tiếp tục lựa chọn ưu tiên một số sản phẩm mới để xây dựng thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Kết quả, vào ngày 9 - 11 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cừu Ninh Thuận; Nhãn hiệu chứng nhận dê Ninh Thuận và nước mắm Cà Ná; Nhãn hiệu tập thể Heo đen Bác Ái, nâng tổng số sản phẩm được hỗ trợ xác lập nhãn hiệu tập thể lên 10 sản phẩm; 6 nhãn hiệu chứng nhận và 2 chỉ dẫn địa lý.
Có thể nói, công tác xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc thù gần đây được các cấp, ngành quan tâm, qua đó nâng cao thương hiệu mặt hàng nông sản, hình thức sản xuất các loại vật nuôi, cây trồng có lợi thế cũng được thay đổi theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao. Trong năm 2017, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, đặt hàng 4 nhiệm vụ nghiên cứu, gồm: Ứng dụng kỹ thuật thâm canh măng tây xanh, sản xuất nho theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phục tráng giống tỏi Phan Rang, nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm thịt cừu. Đồng thời, hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Suối Đá (Thuận Bắc), Hợp tác xã Nông nghiệp - Chăn nuôi Tân Hà (Thuận Nam) xây dựng mô hình “Ứng dụng KH&CN vào quy trình nuôi heo đen và cừu theo hướng sạch”, góp phần vào thực hiện có kết quả Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản.
Với việc chú trọng hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc thù, năm 2017 đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong tạo ra chuỗi giá trị mới với việc doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản rau, quả. Thông qua hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ, Sở KH&CN đã liên kết với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hỗ trợ Công ty TNHH Linh Đan ứng dụng công nghệ màng MAP để bảo quản măng tây xanh. Kết quả thử nghiệm rất khả quan, sau 28 ngày bảo quản theo công nghệ mới, chất lượng sản phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn. Không dừng lại đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp sau thu hoạch chuyển giao quy trình công nghệ bảo quản nho, táo cho Công ty TNHH-TM-SX nông sản Thái Thuận, giúp doanh nghiệp nâng mức thu mua sản phẩm với khối lượng lớn đưa đi tiêu thụ ở mọi miền đất nước.
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, Phó BPT, nhìn nhận: Năm 2017, hoạt động của BPT có nhiều đổi mới so với ngày đầu thành lập vào tháng 5-2016. Công tác phát triển các sản phẩm đặc thù được triển khai đồng bộ, từng bước đi vào chiều sâu, có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Kết quả nổi bật là số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất các sản phẩm đặc thù tham gia vào nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN tăng. Hoạt động truyền thông đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức và quảng bá các sản phẩm. Công tác kết nối thị trường, xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được tăng cường, qua đó đã nâng tầm thương hiệu các sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Anh Tùng