Thành công đáng ghi nhận của hội thi lần này đó là BTC, các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền ngay từ khi mới phát động cuộc thi nên thu hút được nhiều thành phần tham gia. Không riêng gì giới trí thức, mà cả nông dân, những người lao động phổ thông cũng mạnh dạn gửi sáng kiến của mình đến hội thi là điều chưa từng có từ trước đến nay. Nỗ lực “tìm ngọc trong cát” của BTC đã đưa đến kết quả bất ngờ - nông dân Thái Văn Âu ở xã vùng cao Ma Nới (Ninh Sơn) đoạt giải Nhất với giải pháp Máy bóc vỏ lụa và mày hạt bắp nhờ có tính mới, tính ứng dụng cao, phục vụ đắc lực trong cuộc sống bà con vùng cao nói riêng và nông dân trên toàn quốc nói chung. Kết quả này chứng tỏ sáng tạo khoa học không phải là điều quá to tát chỉ dành riêng cho giới trí thức, nếu biết động viên, khuyến khích, thì quần chúng nhân dân lao động cũng có không ít đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giải pháp Máy bóc vỏ lụa và mày hạt bắp của ông Thái Văn Âu, xã Ma Nới (Ninh Sơn)
đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV năm 2016-2017.
Phải ghi nhận rằng, ở hội thi lần này, BTC đã làm tốt công tác định hướng tác giả tập trung vào các giải pháp nghiên cứu phục vụ phát triển nông nghiệp. Trong 9 giải pháp đạt giải, có 4 giải pháp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó Giải pháp Hệ thống bơm tưới bằng năng lượng mặt trời cho nông dân trồng mía và nông trường sản xuất của nhóm tác giả Hồ Phan Điệp, Trần Công Thiên, Trần Huỳnh Thanh, Lê Vinh Thắng (Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang) đã góp phần vào thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn của tỉnh. Giải pháp này đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất mía với ưu điểm là giúp nông dân vùng sâu, vùng xa duy trì được sản xuất trong điều kiện khô hạn, giảm chi phí bơm tưới, tăng thu nhập cho hộ trồng.
Nhìn chung, các giải pháp thuộc lĩnh vực nông nghiệp gửi đến hội thi khá đa dạng, phục vụ canh tác tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, vừa chế biến hàng nông sản sau thu hoạch, tạo ra giá trị gia tăng. Giải pháp Cải tiến máy VN05 sản xuất tỏi đen từ tỏi tươi Phan Rang của nhóm tác giả Lê Phạm Việt Mẫn, Nguyễn Nam Nguyên Nhã, Lê Thành Thạch (Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận) là một ví dụ. Ngoài ra, một số giải pháp thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo cũng có tính mới, tính ứng dụng cao. Đơn cử, Giải pháp Chế tạo giường nằm cho bệnh nhân bị liệt của tác giả Nguyễn Thiện Lương, Phạm Thị Bích Lệ (Bệnh viện Y học cổ truyền Ninh Thuận) đã nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh bị liệt, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước.
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó BTC hội thi, nhìn nhận: Nhân tố quyết định thành công của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ IV năm 2016 - 2017 đó là có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị trong tổ chức thực hiện. Mặc dù số lượng giải pháp dự thi đợt này ít hơn lần trước, nhưng tỷ lệ đạt giải cao hơn. Đặc biệt, giải pháp đoạt giải cao nhất thuộc về tác giả là thành phần lao động phổ thông, điều này chứng tỏ tiềm năng sáng tạo trong nhân dân là rất lớn, nếu biết khơi dậy, phát huy, sẽ thúc đẩy phong trào lao động, sáng tạo phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Tuấn Anh