Hướng tới đạt mục tiêu của Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững, những năm qua, ngành chức năng, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất các loại cây trồng chủ lực, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Một số hộ ở xã Xuân Hải (Ninh Hải) nhìn nhận trồng nho xanh theo quy trình VietGAP có sự hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chỉ tốn công ghi nhật ký sản xuất, nhưng bù lại giảm được nhiều chi phí, sản phẩm doanh nghiệp bao tiêu với giá cao. Ông Nguyễn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Lợi đang hợp đồng thu mua sản phẩm nho của một số hộ ở các xã Xuân Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải, cho biết: Sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những giải pháp nâng cao thu nhập cho hộ trồng, giá nho canh tác theo quy trình VietGAP bán tại vườn cao gấp 2 lần so với trồng theo phương thức truyền thống. Các hộ liên kết với doanh nghiệp trồng măng tây xanh, táo… cũng có thu nhập cao nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch.
Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) áp dụng phương pháp dùng túi bao chùm quả nho tránh mưa,
ngăn chặn sâu bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: A.T
Đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao đó là nhờ có sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp trong việc tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn phương pháp canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Năm 2017, đánh dấu sự đổi mới trong hoạt động khuyến nông khi chú trọng hỗ trợ nông dân triển khai nhiều mô hình mới, đưa các đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở từng khu vực vào sản xuất, trên địa bàn tỉnh có một số hộ đầu tư sản xuất quy mô tập trung, mang lại thu nhập cao. Chứng kiến cơ ngơi khang trang của anh Hùng Ky ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) ít ai nghĩ rằng cách đây vài năm cuộc sống gia đình anh còn nhiều khó khăn. Trước đây, trên khu rẫy rộng 2,5 ha, anh trồng đủ loại cây nhưng kết quả mang lại thấp do thiếu nước tưới, đất cát bạc màu. Anh Hùng Ky đi lên từ việc được ngành chức năng hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trồng măng tây xanh, ban đầu chỉ có 1 sào, đến nay tăng lên gần 1 ha. Cây măng tây xanh “bám rễ” trên vùng đất cát An Hải đã mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Hiện nay, từ trồng măng tây xanh, mỗi tháng anh Hùng Ky thu nhập hàng chục triệu đồng, nhiều hộ ở địa phương cũng đã thoát nghèo nhờ trồng loại cây cao cấp này.
Nỗ lực giúp dân làm giàu của ngành chức năng được đánh giá ngày càng đi vào thực chất với việc triển khai đa dạng các mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ. Phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được ví là “nông thôn nằm trong phố”, bà con ở đây chăm chỉ lao động, có kinh nghiệm canh tác các loại cây màu, nhưng cuộc sống vẫn chật vật do đất sản xuất hạn hẹp. Với quyết tâm không để dân khổ, tháng 10 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ 8 hộ ở địa phương triển khai chương trình trồng rau an toàn. Mô hình được đánh giá có hiệu quả, khai thác triệt để quỹ đất trồng rau theo dạng “cuốn chiếu” cung cấp sản phẩm sạch thường xuyên cho người tiêu dùng, hộ trồng có thu nhập ổn định. Không riêng gì trồng trọt, mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGAP cũng đã khẳng định được ưu thế vượt trội. Thời điểm hiện nay, hộ nuôi dê, cừu, nhất là nuôi theo mô hình vỗ béo đang rất vui vì giá thịt tăng mạnh, đạt 95.000 - 100.000 đồng/kg. Theo nhận định chung, giá thịt dê, cừu sẽ được duy trì ổn định và tăng dần trong thời gian tới nhờ vào chương trình nuôi VietGAP đang được mở rộng. Tin vui cuối năm, các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp - Chăn nuôi Tân Hà (Thuận Nam) cũng đang đứng trước cơ hội làm giàu nhờ có sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình “Ứng dụng khoa học và công nghệ vào quy trình chăn nuôi cừu theo hướng sạch”.
Anh Tùng