Ninh Hải phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất

(NTO) Thời gian qua, việc nâng cao giá trị sản xuất luôn được huyện Ninh Hải đặc biệt quan tâm, chú trọng. Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của ngành Nông nghiệp, nhiều nông hộ trên địa bàn đã tận dụng thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với lợi thế của một huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là trong việc nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Bên cạnh đó, diện tích đất canh tác nông nghiệp cũng khá lớn trên 6.000 ha, thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Thực hiện Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND, ngày 2-2-2015 của UBND tỉnh về việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, huyện Ninh Hải không ngừng chuyển giao khoa học-kỹ thuật, từng bước hình thành đa dạng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả và được phát triển, nhân rộng ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn.

 
Cây măng tây xanh mang lại thu nhập cao cho nông dân Ninh Hải. Ảnh: H.Lâm

Trong gần 2 năm (năm 2015-2017), từ nguồn vốn của các chương trình và ngân sách địa phương, huyện Ninh Hải đã triển khai thực hiện hàng chục mô hình khuyến nông-khuyến ngư. Điển hình trong nuôi trồng thủy sản, nhiều mô hình được triển khai như: Mô hình nuôi ốc hương thương phẩm, với diện tích 22,3 ha, tập trung ở các xã Tri Hải, Tân Hải, Phương Hải, cho mức thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/sào/năm; mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương 40,6 ha ở các xã Hộ Hải, Phương Hải, Khánh Hải; trồng rong sụn trong lồng lưới tại các xã Vĩnh Hải, Khánh Hải, năng suất bình quân đạt hơn 12 tấn rong khô/ha. Ngoài ra, các đối tượng nuôi khác như cá bớp, cua, ghẹ… sản lượng đều đạt khá cao. Bên cạnh đó, để ứng phó với hạn hán, thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt được ứng dụng trên toàn địa bàn huyện như: Mô hình tưới nước tiết kiệm trên 190 ha cây nho ở xã Vĩnh Hải, Nhơn Hải giảm đáng kể lượng nước tưới, tăng năng suất cây trồng; mô hình “1 phải, 5 giảm” trên 696 ha cây lúa ở các xã Xuân Hải, Tân Hải, Hộ Hải, năng suất bình quân từ 7,5-8 tấn/ha/vụ, cao hơn ruộng đối chứng từ 1-1,5 tấn/ha/vụ; trồng tỏi VietGAP ở xã Nhơn Hải, năng suất đạt 8 tấn/ha/vụ. Đặc biệt, mô hình trồng măng tây xanh với diện tích 18 ha ở xã Xuân Hải, Tri Hải và một số mô hình chăn nuôi gia súc phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây đã mang lại thu nhập ổn định cho các nông hộ tham gia. Đơn cử như hộ anh Đào Kim Niên, ở thôn An Nhơn (xã Xuân Hải), với gần 2 sào đất trồng lúa, nhiều vụ sản xuất không có lãi. Đầu năm 2017, gia đình anh chuyển sang trồng măng tây xanh, cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa trước đây…

 
Nông dân xã Nhơn Hải chăm sóc cây hành. Ảnh: Hồng Lâm

Kết quả đạt được trong việc xây dựng mô hình phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất của địa phương. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2017, tổng sản lượng khai thác hải sản toàn huyện đạt 12.600 tấn, tăng 1.400 tấn so với cùng kỳ; tôm thịt 1.270 tấn, tăng 580 tấn so với cùng kỳ, đạt 60,48% kế hoạch; tôm giống 5.490 tấn, tăng 730 triệu post so với cùng kỳ, đạt 114,38% kế hoạch năm. Ngoài ra, một số diện tích sản xuất có chiều hướng tăng với tổng diện tích gieo trồng trong năm đạt trên 9.000 ha; trong đó, lúa gần 7.000 ha, cây thực phẩm 1.409 ha; nho, táo 404 ha… tổng sản lượng lương thực đạt 29.708 tấn, tăng 1.739 tấn so với cùng kỳ, đạt 83,92% kế hoạch…

Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải nhìn nhận: Hiệu quả mang lại từ các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện trong thời gian qua mang lại tín hiện đáng ghi nhận, ngoài việc nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, còn tiết kiệm được chi phí đầu tư sản xuất, thu nhập cũng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất còn thiếu tính liên kết, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa với số lượng lớn, đầu ra thiếu ổn định nên kết quả chưa đạt cao như mong đợi. Để khắc phục khó khăn trên, thời gian tới, huyện tập trung tuyên truyền đến nông dân về Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo đúng chủ trương của tỉnh, quy hoạch cụ thể thế mạnh từng vùng để xây dựng, bố trí phù hợp các mô hình sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học-kỹ thuật, đặc biệt có sự liên kết giữa “4 nhà” để sản phẩm có đầu ra ổn định…