Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của Trung tâm Giống hải sản cấp I đã nghiên cứu, sản xuất thành công ở quy mô thương mại giống ghẹ xanh, cua xanh, hàu Thái Bình Dương, cá bớp, cá chim vây vàng, cá mú… đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích nuôi của nông dân. Lĩnh vực sản xuất giống cây trồng cũng đóng góp nhất định cho sự phát triển; trong đó, đáng kể là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Trung tâm Sản xuất Giống cây trồng Nha Hố (Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố) đã sản xuất, cung ứng giống bắp lai, giống lúa thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn cho nông dân sản xuất với quy mô lớn.
Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố sản xuất thử nghiệm giống lúa NH02
có khả năng chịu hạn và năng suất cao.
Cùng với đó, hoạt động ứng dụng công nghệ thâm canh, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được chú trọng, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện nay, vùng nuôi tôm tập trung ở xã An Hải (Ninh Phước) đã hình thành mô hình nuôi tôm trên cát ứng dụng quy trình công nghệ sinh học, sử dụng máy cho tôm ăn tự động, lót bạt HDPE nền đáy chống rò rỉ nước, quy mô hơn 10 ha. Trong chăn nuôi gia súc, đáng quan tâm là thông qua Dự án Hỗ trợ Tam nông các địa phương đã thành lập những nhóm cùng sở thích nuôi dê, cừu ứng dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn, xử lý môi trường và an toàn dịch bệnh. Các nhóm chăn nuôi có sự liên kết chặt chẽ với Cơ sở Kinh doanh dê, cừu Triệu Tín trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngành Nông nghiệp đặt kỳ vọng đây là mô hình sản xuất tập trung điển hình theo hướng công nghệ cao, có khả năng khai thác tối đa lợi thế phát triển các vật nuôi đặc thù vùng nắng gió Ninh Thuận. Không dừng lại đó, các trại nuôi heo quy mô tập trung tại huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái cũng áp dụng công nghệ nuôi khép kín, hạn chế tối đa dịch bệnh, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Có thể nói, hoạt động nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi thời gian qua đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tạo thêm thu nhập cho nông dân. Diện tích các loại cây trồng đặc thù sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tăng dần, cụ thể: nho 281 ha, chiếm 22% tổng diện tích nho toàn tỉnh; táo hơn 16 ha; măng tây xanh 9 ha. Tuy vậy, cân phân mà nói, công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, chưa đạt được như mong muốn. Theo báo cáo, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng vài trò tiên phong, đầu tàu. Trong khi đó, công nghệ bảo quản, chế biến các mặt hàng từ sản phẩm đặc thù còn hạn chế. Ngoài Công ty Cổ phần Rau câu Sơn Hải, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt mạnh dạn đầu tư đổi mới đồng bộ thiết bị dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ cây lô hội, rau câu, còn việc ứng dụng dây chuyền chế biến một số sản phẩm đặc thù khác cũng chỉ mới dừng lại trong phạm vi nhỏ hẹp.
Để đạt mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nhà đầu tư. Tín hiệu đáng mừng này, tin rằng sẽ tháo gỡ được khó khăn trong thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Anh Tùng