Rộn ràng Tết cổ truyền châu Á

Ngày hôm nay (3-2) , hơn 1 tỷ người châu Á sẽ bước sang một năm mới, đón những ngày Tết cổ truyền thiêng liêng và ấm cúng với người thân. Người lớn tất bật chuẩn bị, trẻ nhỏ hân hoan, nô nức đón mừng, tất cả làm nên không khí những ngày trước tết thật rộn ràng, nôn nao lòng người.

Khởi đầu mới

Theo sách lịch của Trung Quốc, năm Âm lịch sắp tới còn được gọi là năm con thỏ, một năm được các chuyên gia phong thủy của Trung Quốc cho là gắn liền với những điềm lành. Ngân hàng đầu tư CLSA Asia Pacific Markets như thường lệ đã công bố một báo cáo phong thủy về thị trường chứng khoán.

Năm nay báo cáo khuyên các nhà đầu tư nên ưu tiên chứng khoán ngành kim loại, hàng hải, hàng không, tài chính và cá cược để ứng với mạng kim và thủy trong năm con thỏ. Ông Philip Chow, một nhà phân tích của Ngân hàng CLSA tại Hồng Công (Trung Quốc), nói rằng chứng khoán liên quan đến mạng thổ sẽ tụt lại phía sau.

Khắp nơi ở Trung Quốc, hàng triệu người đã bắt đầu những chuyến đi dài, đôi khi mất cả mấy ngày đường để về quê đón Tết Âm lịch. Hầu hết các cơ sở sản xuất và văn phòng đều đóng cửa nghỉ tết từ ngày 30-1 vừa qua. Người lao động, sinh viên ở các thành phố lớn từ một tuần gần đây đã đổ xô, chen chúc nhau tại các bến xe để trở về nhà ở các vùng quê tỉnh lẻ để sum vầy cùng gia đình. Đối với họ, đây là dịp duy nhất để được gặp người thân sau một năm dốc sức làm việc và dành dụm.

 


Không khí đón Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc.
 

Tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán được gọi là Seollal. Người Hàn Quốc quan niệm con thỏ tượng trưng cho sự sung túc và trí tuệ minh mẫn. Dù đã đón Tết Dương lịch khá rộn ràng trước đó nhưng người Hàn Quốc vẫn chuẩn bị khá chu đáo cho những ngày Tết Âm lịch này.

Món ăn chính của người Hàn Quốc trong dịp Tết Seollal là tteokguk (cháo nấu từ gạo và thịt bò) cùng khoảng 20 món ăn phụ như: rau cải, bánh nướng, các món ăn chế biến từ cá, galbijjim (sườn hầm), japchae (miến trộn)… được chuẩn bị từ những ngày trước tết.

Vào ngày mùng 1, các thành viên trong gia đình thức dậy sớm, mặc những bộ trang phục truyền thống mới (gọi là Seolbim), tề tựu chúc tết. Con cháu trong gia đình sẽ dâng những món ăn ngon cho ông bà, cha mẹ và đón nhận những lời chúc may mắn đầu năm từ người thân của mình.

Người xa xứ đón tết

Những ngày cận tết, cộng đồng người châu Á, đang sinh sống và làm việc tại khắp nơi trên thế giới cũng hòa chung không khí năm mới và hướng về quê hương. Tại khu vực vịnh San Francisco, nơi tập trung khá đông người châu Á, hương vị tết đã đến với mỗi gia đình. Nhiều lễ hội kéo dài hơn nửa tháng trong dịp tết (trong đó có Hội Hoa xuân ở khu phố Trung Hoa) đã khiến không khí ở những khu vực tập trung nhiều người châu Á càng trở nên rộn ràng.

Dù chỉ là Tết cổ truyền của một số nước châu Á, nhưng Tết Nguyên đán đang ngày càng trở nên phổ biến hơn với nhiều quốc gia. Ở một số khu vực tập trung đông người châu Á ở Mỹ như San Francisco, Seattle, Los Angeles, New York, thủ đô Washington, Honolulu, các tiết mục múa lân, lễ hội thuyền rồng, thả đèn lồng được tổ chức tưng bừng. Ngoài ra, các thành phố Toronto, Calgary, Ottawa Montreal ở Canada hay Sydney ở Australia, Luân Đôn (Anh), Paris (Pháp), Helsinki (Phần Lan)… cũng rộn ràng không khí tết với những tiết mục tương tự.

Trang web MercuryNews.com miêu tả: không khí tết đang rất rộn ràng ở khu vực San Jose, nơi có cộng đồng người Việt rất đông. Dù đang mùa đông, nhưng nhà của người Việt Nam nào cũng có cây đang trổ hoa như để hài hòa với cái lạnh mùa đông.

Hơn 10 ngày qua, khu vực siêu thị Lion Plaza ở San Jose gần như quá tải vì người Việt đổ dồn đến đây để mua sắm quà tết cho người thân. Chị Tran Le, vợ anh Tony Bach, sống ở Napa (phía Bắc California), kể rằng: “Sáng mùng 1, những đứa trẻ trong nhà phải thức dậy sớm để chuẩn bị chúc tết ông bà, cha mẹ. Một điều rất vui mà chúng tôi giao ước với nhau là chúng phải nói bằng tiếng Việt thì mới nhận được bao lì xì”.

Anh Thinh Tran, một kỹ sư đã về hưu, từng làm việc tại thung lũng Silicon, tâm sự: “Gia đình chúng tôi sum vầy bên mâm cơm ngày tết. Điều khác biệt là cái tết cổ truyền đã thấm vào máu của mỗi người, gợi nên cảm giác thiêng liêng, khó tả”.

(Theo sggp online)