Hướng tới phát triển ngành mía đường bền vững, đơn vị chức năng, các địa phương, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang đề ra các giải pháp hỗ trợ nông dân xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chữ đường, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho hộ trồng.
Nông dân Bác Ái liên kết với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang trồng mía ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: A.T
Nhằm khai thác tiềm năng đất đai khu vực miền núi, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu mía tập trung ở huyện Ninh Sơn và Bác Ái, tạo mọi điều kiện hỗ trợ sản xuất, giúp nông dân gắn bó với nghề trồng mía. Thực tế từ chính sách mang tầm chiến lược của tỉnh, không ít hộ đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi đầu tư trồng mía quy mô lớn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đơn cử, anh Huỳnh Hữu Thanh ở xã Phước Tiến (Bác Ái) liên kết với nông dân địa phương trồng 150 ha mía nhiều năm liền lãi ít do sản xuất bằng hình thức thủ công. Từ niên vụ mía 2014-2015, anh được hỗ trợ mua máy đa năng phục vụ sản xuất mía, giảm được nhiều chi phí nhân công, lợi nhuận từ trồng mía giúp gia đình anh khá giả nhất vùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, các hộ giàu lên từ nghề trồng mía khá ít, đa phần nông dân chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đang là cản trở của sự phát triển.
Để mở đường tiến tới xây dựng CĐL sản xuất mía ứng dụng công nghệ cao, các niên vụ mía trước đây, thông qua hoạt động khuyến nông, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ các hộ đưa giống mía mới K88-92, K95-84, K95-156, YM55-14 vào trồng cho năng suất 80 tấn/ha, cao hơn giống mía cũ 20 tấn/ha. Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang cũng đã đầu tư mạnh cho nông dân thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật, góp phần đưa nghề trồng mía phát triển theo chiều hướng tích cực. Bước đột phá gần đây, đó là công ty đã triển khai mô hình CĐL sản xuất mía ở xã Phước Thắng (Bác Ái) và đang tiếp tục phối hợp với huyện Ninh Sơn nhân rộng mô hình tại xã Quảng Sơn. Với mô hình này, mỗi CĐL có diện tích trên dưới 100 ha, được tổ chức quy hoạch liền thửa, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới vào canh tác, thu hoạch, vận chuyển mía. Ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Ngành mía đường đang đứng trước thách thức khi đến năm 2018, thị trường khu vực sẽ được mở cửa hoàn toàn theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng này là đẩy mạnh và nhân rộng mô hình CĐL canh tác theo quy trình kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
Nông dân xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) áp dụng thiết bị cơ giới chăm sóc mía. Ảnh: Sơn Ngọc
Hướng tới đạt mục tiêu, Công ty phối hợp với ngành Nông nghiệp, các địa phương trước mắt xây dựng CĐL sản xuất mía ở những vùng chủ động nước tưới, trong tương lai khi hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ sẽ mở rộng mô hình ở những vùng khô hạn. Lường trước khó khăn do khu vực dự kiến xây dựng các CĐL hiện nông dân đang trồng mía theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, Công ty thực hiện chính sách tiếp tục hỗ trợ vốn sản xuất cho các hộ “dồn điền” đồng loạt trồng một giống mía, một quy trình kỹ thuật. Nổi bật cho hoạt động này là niên vụ mía 2016–2017, Công ty đề ra chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho hộ trồng mía đầu tư hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời; tưới nhỏ giọt; mua sắm máy kéo và thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất với tổng kinh phí lên tới hàng tỷ đồng, tạo được sự đồng thuận cao đối với nông dân thực hiện chương trình. Đồng hành cùng nông dân, niên vụ mía 2017-2018, Công ty tiếp tục hỗ trợ các hộ nhân rộng mô hình CĐL sản xuất mía ứng dụng công nghệ cao với mức đầu tư lớn hơn ở tất cả các công đoạn sản xuất.
Anh Tùng