Vốn quê gốc ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, anh Thanh theo nghề công nhân ngành Điện lực đi làm nhiều nơi, năm 1989, cơ duyên đưa anh đến Mỹ Nhơn và lấy vợ là người địa phương. Năm 1997, anh rời ngành Điện lực, nghỉ chế độ mất sức về sống nơi quê vợ. Năm 2000, anh mua mảnh đất này, khi đó người chủ cũ đã không thể trồng trọt gì được. Để canh tác nó, anh phải cải tạo bằng cách chở đất từ nơi khác đến phủ lên bề mặt, bón thúc phân và đào một cái ao rộng 800 m2 trữ nước tưới cho mùa khô.
Anh Võ Mạnh Thanh nông dân sản xuất giỏi. Ảnh: Bạch Thương
Những ngày đầu sản xuất rất khó khăn, cây trồng lên sinh trưởng chậm rồi héo dần, không ít người lo anh sẽ không thành công. Nhưng với quyết tâm không bỏ cuộc, anh kiên trì tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ các nông dân khác, dần dần anh đã làm cho mảnh đất phải theo ý mình. Qua nhiều năm tích tụ, mở rộng, đến nay anh Thanh có diện tích đất sản xuất hơn 1 ha, gồm 1,5 sào trồng măng tây xanh, 2,5 sào đậu phộng, 1 sào cà dĩa, còn lại trồng chuối, mãng cầu và cỏ chăn nuôi. Bên cạnh trồng trọt, từ năm 2011, anh làm chuồng nuôi bò sinh sản. Đầu năm nay dù bán bớt 10 con để trang trải chi phí gia đình, nhưng anh vẫn còn duy trì nuôi tại chuồng 9 con bò.
Tham quan nương rẫy của anh Võ Mạnh Thanh, hình ảnh bắt mắt gây chú ý cho chúng tôi nhất chính là khu đất trồng măng tây xanh. Theo lời kể của anh, trên đám đất này đầu tiên anh trồng táo rất đạt, được 3 năm thì phá bỏ, chuyển sang trồng nho và cũng rất hiệu quả. Nhưng sau 8 năm gắn bó với nho, anh liên tục thất bại, nhiều lần nho đang cắt tỉa, gặp thời tiết thay đổi hoặc mưa nhiều gây thiệt hại lớn, làm lỗ vốn. Thế là anh tiếp tục phá bỏ giàn nho, tìm cây trồng khác thay thế và thử trồng măng tây xanh. Năm 2016, anh xây thêm hồ ủ phân (10-12 m3), lấy phân từ chuồng bò nuôi ủ hoai để bón thúc măng tây xanh. Nhờ 4 năm trước anh lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước tại đây nên việc chăm sóc măng tây xanh rất thuận lợi. Hiện nay măng tây xanh đã thu hoạch 4 đợt, mỗi đợt kéo dài 3 tháng liên tục, bình quân hằng ngày thu hoạch 10 kg sản phẩm. Từ cây măng tây xanh, trừ chi phí bình quân anh thu nhập 12 triệu đồng/tháng.
Không chỉ trồng trọt, tận dụng ao trữ nước tưới mùa khô, anh còn thả nuôi cá rô phi, cá lóc, cuối năm dù chỉ thu hoạch 50-60 kg cá, với giá bán 80 ngàn đồng/kg, cũng góp thêm một phần thu nhập trang trải dịp tết. Cùng với măng tây xanh, thu nhập từ nuôi bò và các cây trồng khác đã giúp anh Thanh cải thiện đời sống gia đình, trở thành hộ khá giả trong thôn. Trước hiệu quả kinh tế cây măng tây xanh đem lại, anh dự tính sắp đến sẽ mở rộng diện tích trồng lên 2,5 sào. Ghi nhận thành tích cải tạo đất, phát triển sản xuất của anh, vừa qua, Hội Nông dân huyện Thuận Bắc và xã Bắc Phong đã chọn anh là điển hình nông dân sản xuất giỏi của địa phương.
Bạch Thương