Theo anh Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong 2 vụ đông-xuân và hè-thu, Thuận Bắc đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa với diện tích 237,15 ha; trong đó có 40 ha bắp, 126 ha đậu xanh, 17 ha mè, 6 ha dưa, 47 ha cỏ chăn nuôi và 7,15 ha cây lâu năm. Bên cạnh việc chuyển đổi, điểm đáng phấn khởi có thể thấy rõ trong cả 2 vụ là năng suất cây trồng tăng cao, đơn cử cây lúa đạt năng suất trung bình gần 6,7 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 8-9 tấn/ha. Đặc biệt, ở vùng chủ động nước thuộc 2 xã Bắc Phong và Công Hải, đã nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với tổng diện tích 1.015 ha, trong đó vụ đông-xuân quy mô 580 ha (Bắc Phong 350 ha, Công Hải 230 ha) và vụ hè-thu nhân rộng 435 ha (Bắc Phong 295 ha, Công Hải 140 ha), năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha, tăng 0,4 tấn/ha so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xã miền núi Công Hải, qua liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa giống xác nhận ML202, trên diện tích 140 ha, tổ sản xuất lúa giống thôn Hiệp Kiết đã đạt năng suất bình quân 8 tấn/ha, tăng hơn năm ngoái gấp đôi về diện tích và 0,2 tấn/ha về năng suất.
Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thu hoạch lúa hè - thu bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: V.M
Ngoài các mô hình sản xuất lúa, Thuận Bắc còn tập trung nhân rộng các mô hình trồng trọt như: Măng tây xanh, bưởi da xanh, mãng cầu dai. Đối với mô hình măng tây xanh, Thuận Bắc đã triển khai hội nghị đầu bờ tại thôn Mỹ Nhơn (xã Bắc Phong) trồng diện tích 1,1 ha, đồng thời đang tổ chức nhân rộng mô hình lên 5 ha, cụ thể: 2 ha tại đồng Cây Thị, thôn Mỹ Nhơn và 3 ha khu vực đồng Rẫy Sở (xã Lợi Hải). Cây bưởi da xanh có 3,5 ha triển khai tại xã Công Hải, trong đó có 1 ha áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt, dự kiến sẽ làm mô hình nhân rộng sang xã Phước Chiến. Mô hình trồng cây mãng cầu dai từ 1,65 ha (xã Bắc Phong 0,5 ha, xã Công Hải 0,15 ha, xã Bắc Sơn 1 ha) dự kiến nhân rộng lên 5 ha (xã Bắc Phong 4 ha, xã Lợi Hải 1 ha). Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đây là 3 loại cây được liên kết sản xuất tìm đầu ra tiêu thụ nên Thuận Bắc tập trung phát triển đến năm 2020. Tại xã Bắc Phong, nơi có nhiều mô hình triển khai hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Mãng cầu dai và măng tây xanh đang chiếm ưu thế, sản phẩm làm ra là tiêu thụ hết nên đang hấp dẫn nông dân mở rộng diện tích trồng.
Về chăn nuôi, Thuận Bắc phát triển mô hình nuôi heo đen, gà thả vườn. Để phát triển ngành chăn nuôi, huyện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng hai thương hiệu heo đen và gà Thuận Bắc, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III-2018. Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá (xã Lợi Hải) thành lập 10 tổ nhóm/100 thành viên chuyên sản xuất heo đen tại thôn Suối Đá. Về gà, bên cạnh đàn gà núi có khoảng 300 con của các thành viên HTX, trong vụ hè-thu vừa qua, xã Lợi Hải chọn 4 hộ thành viên HTX tham gia mô hình nuôi gà thả vườn và đã hỗ trợ mỗi hộ 25 con giống gà ta. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các ngành chuyên môn tỉnh giúp HTX Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Măng tây xanh trồng tại xã Bắc Phong được tưới bằng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước.
Nhìn chung, qua thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nông dân Thuận Bắc đã hưởng ứng tích cực việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước tưới; từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng cạn. Các địa phương đã thành lập được các tổ sản xuất, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thống nhất giá sàn đối với các sản phẩm cây trồng cạn nên người dân yên tâm sản xuất. Chẳng hạn trong vụ hè-thu, qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa 2 tổ sản xuất đậu xanh của các xã Công Hải và Bắc Phong với Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát, đã ổn định giá sàn của đậu xanh 20.000 đồng/kg và mè đen 30.000 đồng/kg.
Gần đây, trở lại một số vùng trên địa bàn huyện Thuận Bắc, chúng tôi được biết tận dụng cơ hội có lượng nước tích tại hồ, đập đủ khả năng phục vụ tưới, Thuận Bắc khẩn trương xuống giống gieo trồng vụ mùa, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo kế hoạch và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao phù hợp với từng địa phương. Qua kết quả đạt được ban đầu, Thuận Bắc đang dần tìm ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp địa phương nhằm giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Bạch Thương