Đến nay, sức lan tỏa của mô hình có tác dụng khuyến khích thêm một số doanh nghiệp đang gấp gáp tìm kiếm đối tác để triển khai CĐL ở những vụ tới. Đầu tháng 9 vừa qua, tại Hội nghị đầu bờ giống lúa PY2, ông Vũ Trần Lý, Giám đốc Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố, thông tin: Đơn vị đã đạt được thỏa thuận với HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ liên kết triển khai mô hình CĐL sản xuất lúa quy mô 100 ha trong vụ đông-xuân 2017-2018 tới. Còn có một số doanh nghiệp khác cũng mong muốn liên kết với nông dân thực hiện chương trình để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, nhưng đang “vướng” ở khâu “tích tụ” đất. Theo đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đã gọi là CĐL thì quy mô diện tích tối thiểu phải đạt 50 ha; trong khi, nông dân sản xuất manh mún, đa số các hộ sở hữu vài ba sào đất, việc vận động “dồn điền” xây dựng CĐL đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, theo lộ trình nhất định. Với quyết tâm cao của ngành chức năng và các địa phương trong thực hiện Chương trình xây dựng CĐL của tỉnh, đến thời điểm hiện nay có 3 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, đạt hiệu quả. Các địa phương khác đang có kế hoạch triển khai mô hình CĐL cần học hỏi kinh nghiệm ở những nơi này.
HTX Kinh doanh-Dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu (Ninh Phước) vận động các thành viên
“dồn điền” thực hiện thành công mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống .
3 doanh nghiệp đề cập trên là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố liên kết với HTX Kinh doanh-Dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu thực hiện Mô hình thí điểm CĐL sản xuất lúa giống trong vụ hè-thu 2017 đã nêu, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang triển khai CĐL sản xuất mía quy mô 300 ha ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng (Bác Ái) và Công ty Ladora Farm Ninh Thuận triển khai CĐL sản xuất nho nguyên liệu rượu vang ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Cả 3 CĐL sản xuất các loại cây trồng thế mạnh của tỉnh có điểm chung là doanh nghiệp đầu tư mạnh ngay từ đầu với quy trình kỹ thuật công nghệ cao, bản thân từng hộ nhỏ lẻ không thể thực hiện được. Đơn cử, Công ty Ladora Farm Ninh Thuận đã biến vùng đất khô cằn trở thành khu sản xuất nho tiên tiến với hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, các loại máy nông cụ hiện đại. Để sản xuất nho theo quy trình kỹ thuật châu Âu, Công ty đã nhập máy đa năng làm đất, đánh hàng, xới cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật với công nghệ bán tự động, trị giá hàng tỷ đồng.
Tuy vậy, cách thức “tích tụ” đất để thực hiện CĐL của mỗi doanh nghiệp có một cách làm khác nhau. Đối với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, thông qua HTX vận động thành viên “dồn điền” cùng canh tác một loại giống, một quy trình kỹ thuật. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang thuê đất có thời hạn, còn Công ty Ladora Farm Ninh Thuận lại thương lượng với nông dân chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp toàn quyền tổ chức thực hiện CĐL. Hiện nay, một số xã như Phước Hải, Phước Vinh (Ninh Phước), Quảng Sơn (Ninh Sơn)… đang xây dựng phương án triển khai CĐL có thể linh động áp dụng 1 trong 3 hình thức “tích tụ” đất nêu trên, tùy thuộc vào tình hình sản xuất thực tế, điều kiện thổ nhưỡng của từng nơi. Ở khu vực miền núi, đất đai bạc màu, trình độ canh tác của nông dân thấp, giải pháp cho thuê đất, hoặc chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp là hữu hiệu nhất, bởi các thành phần tham gia CĐL đều lợi. Kết quả từ CĐL sản xuất mía cho thấy, khu đất của đồng bào Raglai bỏ hoang lâu năm, nên để doanh nghiệp thuê tổ chức sản xuất là hướng đi hợp lý, khai thác được tiềm năng đất đai ở vùng núi. Với thế mạnh của doanh nghiệp là đủ năng lực đầu tư hàng tỷ đồng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã biến vùng đất hoang hóa trở nên trù phú. Chính sách sử dụng lao động tại chỗ của doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong khu vực, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng, Nhà nước cùng chung sức thực hiện Chương trình xây dựng CĐL.
Tuấn Anh