Bên cạnh cây trồng chủ lực như lúa 714 ha, nho xanh 100 ha và một số các loại hoa màu khác… thì cây măng tây xanh được người dân trồng nhiều tại thôn An Xuân 3. Được biết, cây măng tây xanh đưa vào trồng khoảng 6 năm nay, ban đầu chỉ có 1 hộ trồng thì đến nay đã có 60 hộ tham gia trồng loại cây này, với trên 15 ha.
Hiệu quả kinh tế mang lại từ cây mang tây xanh, đã giúp gia đình ông Diệp Bảo thu có cuộc sống ổn định.
Đưa chúng tôi ra thăm diện tích trồng cây măng tây xanh của gia đình, ông Diệp Bảo Thu, thôn An Xuân 3, cho biết: Qua tìm hiểu, học hỏi từ các hộ lân cận, giữa năm 2016, tôi quyết định trồng thử nghiệm 1,3 sào măng tây xanh. Sau gần 5 tháng trồng và chăm sóc, lứa đầu tiên đã cho thu hoạch ổn định, bình quân mỗi ngày thu trên 15 kg, với giá bán dao động từ 45-50 ngàn/kg, gia đình có thu nhập khoảng 700 ngàn đồng/ngày. Cây măng tây xanh không chỉ trồng chủ yếu ở thôn An Xuân 3, hiện nay một số bà con ở các thôn khác cũng đã chuyển đổi từ diện tích trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả sang trồng măng tây xanh. Là người tiên phong trong chuyển đổi sang trồng măng tây xanh ở thôn An Nhơn, anh Đạo Kim Niên chia sẻ: Trước đây, với gần 2 sào đất trồng lúa, nhiều vụ sản xuất không có lãi, đầu năm 2017, gia đình chuyển sang trồng măng tây xanh, từ vụ thu hoạch đầu tiên, măng tây xanh cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa như trước đây…
Hiệu quả kinh tế từ cây măng tây xanh đem lại đã rõ, tuy nhiên do chi phí đầu tư ban đầu khá cao (khoảng 30 triệu đồng/sào) nên nông dân chưa mạnh dạn trong việc mở rộng diện tích trồng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải khẳng định: Qua thực tế sản xuất, cây măng tây xanh rất thích hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Mục tiêu của xã phấn đấu đến năm 2020, sẽ nhân rộng cây trồng này lên khoảng 60 ha. Để thực hiện theo lộ trình đề ra và từng bước tháo gỡ khó khăn cho các hộ trồng, chủ trương của xã tập trung vận động người dân chuyển đổi từ vùng đất sản xuất không hiệu quả, các diện tích gò đồi, xa nguồn nước tưới để chuyển sang trồng măng tây xanh. Ngoài ra, xã cũng đã lập danh sách các nông hộ trồng măng tây xanh trên địa bàn được tiếp cận các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, hiện tại đã có 14 hộ được hỗ trợ với mức 15 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, xã còn thành lập 1 tổ hợp tác và 1 cơ sở tư nhân chuyên bao tiêu sản phẩm măng tây xanh cho người dân. Qua đó, giúp nông dân yên tâm phát triển thêm diện tích trồng măng tây xanh trong những năm tới.
Tin rằng, với những giải pháp thiết thực của các cấp chính quyền cùng với sự năng động, nhạy bén của nông dân, tương lai không xa cây măng tây xanh sẽ phủ xanh rộng khắp trên vùng đất Xuân Hải, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Hồng Lâm