Trước hết, để trẻ biết yêu thương và quý trọng truyền thống gia đình, cha mẹ phải giúp cho trẻ thường xuyên gặp mặt họ hàng. Bởi lẽ, khi tiếp xúc với bà con họ hàng thường xuyên, trẻ sẽ có được một quan niệm về truyền thống gia đình đúng nghĩa. Vì vậy, mỗi dịp cuối tuần, cha mẹ hãy nên đưa trẻ đến thăm bà con trong gia đình họ tộc, một mặt để thắt chặt thêm mối dây ruột thịt, mặt khác để trẻ sớm nhận ra ngôi thứ và nhánh, rễ trong họ. Trong các ngày tết cổ truyền, các dịp lễ lớn, sự giao lưu giữa hai bên nội ngoại, các cô, dì, chú, bác là điều kiện giúp cho con trẻ dần dần biết được về thứ bậc trong gia đình, phân biệt được đâu là bà con bên nội, bà con phía ngoại... Ngoài ra, khi tiếp xúc thường xuyên với bà con họ hàng, cũng tạo cho trẻ có thói quen chủ động chào hỏi người lớn mỗi khi gặp gỡ.
Gia đình chính là sợi dây gắn kết yêu thương trong việc hình thành ý thức và mối quan hệ huyết thống, tinh thần gắn bó trong họ tộc. Ngày giỗ ông, bà, các bậc cha mẹ nên khuyên con phải có mặt đông đủ và đúng giờ. Trong dịp đó, mọi người trong họ tộc sẽ khơi gợi lại những kỷ niệm về thế hệ đi trước, về người đã mất... nhắc nhở cho thế hệ sau biết mối quan hệ huyết thống như thế nào, để con trẻ nghe và hiểu thêm.
Thông qua những kỷ niệm, những hành động khơi nguồn về truyền thống gia đình chắc rằng sẽ in sâu vào ký ức các em mai này khôn lớn. Qua thời gian, ý thức ấy sẽ lớn dần và giúp cho chúng biết đâu là cội nguồn nơi mình sinh ra. Đó cũng chính là nét đẹp văn hóa từ ý thức dạy dỗ, quan tâm của những người lớn tuổi trong họ tộc mà chúng ta cần phải duy trì và phát huy.
Thùy Trang