Nhìn lại hoạt động chuyển giao KH&CN ở huyện Ninh Hải có thể thấy, đây là lĩnh vực được các cấp, ngành quan tâm vào cuộc một cách quyết liệt. Để hướng tới đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm tăng giá trị đơn vị diện tích, hướng đến nền nông nghiệp sạch an toàn và hiệu quả, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất.
Nông dân Ninh Hải chăm sóc vườn nho. Ảnh: Văn Miên
Từ năm 2015 đến nay, bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã chuyển giao, nhân rộng hàng chục mô hình KH&CN. Tiêu biểu như nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa từ vài chục ha ban đầu, đến nay sau 2 năm thực hiện tăng lên gần 1.000 ha, tạo tiền đề cho xây dựng cánh đồng lớn. Thông qua thực hiện mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần vào sản lượng lương thực 6 tháng đầu năm 2017 tăng 490 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn của tỉnh, thời gian qua, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai các mô hình mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống cây trồng được khảo nghiệm đưa vào sản xuất, góp nên thành công chung của nông nghiệp huyện nhà. Ngoài phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, huyện còn xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm với tổng diện tích 190 ha ở các xã: Vĩnh Hải, Nhơn Hải, Thanh Hải đảm bảo duy trì sản xuất các loại cây trồng đặc thù như nho, tỏi… kể cả trong mùa hạn hán.
Những kết quả khả quan bước đầu từ thực hiện các mô hình đã tạo bước đột phá mới trong trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thu mua của các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thêm thành tích về công tác chuyển giao KH&CN ở lĩnh vực kinh tế biển đó là việc ứng dụng thành công mô hình sản xuất muối trải bạt đem lại hiệu quả về sản lượng, chất lượng. So với phương pháp sản xuất muối trên nền đất, phương pháp trải bạt có nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian phơi từ 2-3 ngày, tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, giá thành cao hơn 10% so với muối sản xuất truyền thống. Khi mới triển khai quy mô 600 m2, đến nay mô hình sản xuất muối trải bạt tăng lên 60 ha và đang tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.
Điểm nổi bật trong thực hiện chương trình ứng dụng KH&CN vào sản xuất là huyện tích cực phối hợp với ngành chuyên môn lựa chọn những mô hình có khả năng ứng dụng cao, ưu tiên hỗ trợ người dân vùng khó khăn thực hiện, góp phần tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, mô hình thâm canh lúa nước tại thôn Đá Hang và Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải) đã làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào Raglai, giúp bà con tự làm chủ trên chính mảnh đất của mình. Mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng thâm canh triển khai ở hai thôn cũng được đánh giá cao, bởi góp phần giúp bà con vùng sâu, vùng xa có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Lưu Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Kinh nghiệm trong thực hiện có hiệu quả công tác chuyển giao KH&CN vào sản xuất của địa phương đó là chú trọng phát huy vai trò làm chủ của nông dân trong việc chọn, đưa các thiết bị, giống mới vào canh tác có hiệu quả, từ đó nhân rộng. Quá trình thực hiện chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ ý nghĩa, mục tiêu cần đạt được của mô hình, đề ra các bước thực hiện, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị cụ thể. Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Anh Tùng