Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đầu tư 20 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh có tổng dung tích thiết kế hơn 192 triệu m3, cùng với hệ thống thủy lợi Nha Trinh-Lâm Cấm, Sông Pha tưới cho khoảng 33.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Từ việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đã giúp tỉnh ta khai thác được tiềm năng, lợi thế vùng tiểu khí hậu khắc nghiệt phát triển nông nghiệp với các loại cây trồng đặc thù như: nho, táo, tỏi, măng tây xanh… nổi tiếng toàn quốc. Cũng từ hệ thống thủy lợi này tạo thuận lợi phát triển các vùng sản xuất bắp giống, lúa giống quy mô tập trung, chất lượng cao, cung cấp cho nông dân trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nguồn nước ở các hồ, đập hiện nay không đủ vươn tới tất cả các đồng đất, nhất là những vùng cuối nguồn thuộc địa bàn huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải. Theo báo cáo, toàn tỉnh có 78.000 ha đất nông nghiệp; trong đó, 35.000 ha phụ thuộc "nước trời", sản xuất bấp bênh. Do nguồn nước ở các hồ, đập cung cấp không đủ, nên nhiều nông hộ phải khai thác nước ngầm phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, nhưng về mùa khô cũng cạn kiệt làm cho hoạt động sản xuất bị đình đốn, đang là trăn trở lớn của ngành chức năng.
Hồ chứa nước Lanh Ra. Ảnh: Văn Miên
Nhìn lại công tác ứng phó với hạn hán những năm qua cho thấy, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, Trung ương, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt hỗ trợ nông dân đào ao, khoan giếng, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước để cứu cây trồng. Chỉ tính riêng mùa hạn hán năm 2016, số tiền hỗ trợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài nhất thiết phải xây dựng thêm hồ, đập, kênh liên thông các hồ chứa nước. Với sự nỗ lực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tham mưu với tỉnh đề nghị Trung ương có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng các công trình thủy lợi vùng khô hạn đã tạo chuyển biến tích cực. Hiện nay, bên cạnh công trình Đập dâng Tân Mỹ nối 2 bờ sông Cái khởi công vào cuối năm 2015 giữ vai trò cung cấp và phân phối nước thường xuyên cho hồ Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh, đảm bảo phục vụ sản xuất ổn định kể cả trong mùa khô hạn, sắp đưa vào sử dụng, thì Dự án Đập hạ lưu sông Dinh cũng đang được triển khai, khi hoàn thành sẽ ngăn mặn, tạo hồ chứa nước ngọt dung tích khoảng 4 triệu m3 phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt cho cư dân dọc 2 bên bờ sông Dinh.
Có thể nói, chưa bao giờ công tác tạo nguồn nước phục vụ sản xuất lại được quan tâm như hiện nay, với những giải pháp mang tính sáng tạo như liên thông các hồ chứa có tác dụng điều tiết nguồn nước đến vùng khô hạn nhanh chóng. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: Các kênh liên thông chuyển nước từ hồ Tân Giang-Sông Biêu-Suối Lớn; kênh liên thông hồ Cho Mo-hồ Phước Trung-hồ Thành Sơn là những dự án nằm trong kế hoạch được ưu tiên xây dựng để đảm bảo nguồn nước nội tỉnh. Không dừng lại đó, tỉnh cũng đang xúc tiến đầu tư 4 dự án thủy lợi giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, Dự án hồ chứa nước Sông Than (Ninh Sơn) và hệ thống hồ chứa nước Kiền Kiền (Thuận Bắc) hướng tới mục tiêu tạo nguồn nước ổn định, đáp ứng nhu cầu tưới cho 4.500 ha đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho 20.000 cư dân. Dự án thu giữ nước dưới đất để phát triển nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển tăng trưởng xanh bền vững trên vùng đất khô hạn ven biển (huyện Ninh Phước và Ninh Hải) được xem là có khả năng tận dụng tối đa nguồn tài nguyên nước bởi thu giữ lượng nước lớn dưới đất vào mùa mưa cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô. Dự án này mang tính đặc thù cao, áp dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng các hạng mục công trình thu giữ nước dưới đất gồm đập ngầm và mạng lưới 140 ao trữ nước. Hệ thống thủy lâm kết hợp để phòng chống sa mạc hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện phạm vi huyện Ninh Phước và Thuận Nam áp dụng một số kỹ thuật giữ nước, gồm 15 đập dâng kết hợp ao chứa, rãnh ngăn dòng chảy tổng chiều dài 40 km kết hợp trồng rừng bảo vệ lớp đất màu, vùng hưởng lợi 2.300 ha, giúp nông dân canh tác từ 1 vụ/năm bấp bênh lên 3/vụ năm chủ động nước.
Những dự án thủy lợi đã và đang thi công tạo ra triển vọng mới để phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh nhà. Đón đầu thời cơ, các địa phương nằm trong vùng hưởng lợi đã chủ động quy hoạch các vùng cây trồng đặc thù, quy mô tập trung, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị…
Anh Tùng