VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Để du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn!

(NTO) Nghị quyết số 08-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành vào đầu năm 2017 này có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Điều này không chỉ đem đến cho du lịch nguồn sinh lực mới nhờ có nguồn sức mạnh tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, mà còn đặt ra nhiều trọng trách nặng nề đối với ngành công nghiệp không khói...

Đối với tỉnh ta, thời gian qua, phát triển du lịch được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao; tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách về lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng. Công tác nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng được chú trọng. Các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước được thực hiện khá hiệu quả, đã triển khai xây dựng cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao; cùng với đó tăng cường kiểm tra xử lý các dự án chậm tiến độ, đi đôi với tổ chức khảo sát để hình thành các điểm du lịch mới... Nhờ đó, đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn đăng ký đầu tư lĩnh vực du lịch, một số dự án quy mô lớn đang được xúc tiến triển khai. Nhiều điểm đến đã được du khách bình chọn là địa chỉ du lịch yêu thích, như: Đèo Ngoạn Mục, Tháp Pô Klong Garai, Vịnh Vĩnh Hy, biển Ninh Chử- Bình Sơn, Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Làng gốm Bàu Trúc... Bằng những nỗ lực như đã nêu trên, ngành Du lịch có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Năm 2016, toàn tỉnh thu hút 1,7 triệu lượt du khách, tăng 13,33%, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 752 tỷ đồng, tăng 22,9% so năm trước. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, thu hút trên 1.420 ngàn lượt du khách, tăng 12% cùng kỳ và bằng 81% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế 55 ngàn lượt, tăng 33,2%. Doanh thu xã hội ước đạt 517 tỷ đồng, tăng 17,5%...

Du khách đi tàu đáy kính tham quan vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nói, sự khởi sắc của ngành Du lịch đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tuy nhiên, nhìn tổng thể ngành Du lịch tỉnh ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, còn nhiều dư địa phát triển chưa được khai thác hiệu quả. Chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các dự án quy mô lớn để đóng vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển. Một số quy hoạch, định hướng phát triển du lịch thiếu tầm nhìn dài hạn. Còn thiếu các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, có sức hấp dẫn, lưu giữ du khách; chất lượng các dịch vụ, kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả chưa cao...

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra, đó là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, có trọng tâm, trọng điểm, xã hội hóa cao; chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch… Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 8-10%, ngành Du lịch đóng góp 12% GRDP, doanh thu đạt khoảng 1.450 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 13% lao động của toàn tỉnh... Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Để thực hiện đạt mục tiêu đã nêu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 8 nhiệm vụ và giải pháp trong tâm, đó là: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch và phát triển nguồn nhân lực; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh việc liên kết hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên.

Với việc một lần nữa xác định rõ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội thông qua Chương trình hành động nói trên, hy vọng rằng ngành Du lịch sẽ nhanh chóng khắc phục hạn chế để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội, vươn mình trở thành mũi nhọn của nền kinh tế tỉnh nhà trong tương lai gần.