(NTO) Thấy cậu mình say mê xem phim “Đến Thượng đế cũng phải cười”, đứa cháu gái hỏi: Cậu Hai có biết Thượng đế là ai không? Đang lúc hấp dẫn đành nói cho qua chuyện: Đại loại là thế lực siêu nhiên nào đó ở… ông cậu chỉ tay lên trời. Nghe trả lời, con bé cười nắc nẻ: Đơn giản thế mà cậu Hai cũng không biết. Chạm tự ái, ông nói: Ừ, cô thạc sĩ xã hội học lấy chuyên ngành mình đánh đố sao coi được? Bật mí cậu Hai biết nhé: “Thượng đế” này cũng có lỗi đấy, rồi cô dịu giọng: Coi xong phim, con mời cậu Hai chầu cà phê nha. Ông cậu gật gù, thế mới là cháu ngoan chứ!
Bữa nay, cậu cháu mình đến quán cà phê ven hồ nhé, đúng quán cậu Hai con thích nhưng chưa một lần ghé tới. Nó nằm ngay trung tâm thành phố, mát mẻ, tĩnh mịch, lại là nơi Hội Sinh vật cảnh đang tổ chức triển lãm cây cảnh. Hai cậu cháu chọn nơi ngồi khá đắc địa, giữa bên dòng sông nho nhỏ êm đềm chảy và hồ nước hoa sen đang nở thơm ngát. Quán ngày chủ nhật khá đông khách, phải chừng vài chục phút sau mới có phục vụ tới. Gọi món uống mình ưa thích rồi tranh thủ lên mạng xem tin tức nhưng cũng phải gần ba mươi phút sau mới có cà phê. Sốt ruột, ông cậu trách phục vụ: Bắt khách ngồi chờ gần nửa tiếng thì chỉ có… Nghe vậy cô cháu cắt ngang, cậu Hai có thấy biển đèn led kia không? Nhìn theo tay cháu là bảng hiệu nổi bật dòng chữ “Khách hàng là Thượng đế!”, cô cháu cười như trúng ý: Thượng đế là ai, cậu biết chưa? Đang lúc bực mình, ông nói đổng, bán hàng kiểu này thì chủ quán là “Thượng đế” đâu phải cậu cháu mình, người bỏ tiền để được phục vụ. Cô cháu nhỏ nhẹ, thời thị trường có tiền rủng rỉnh đến đâu mua sắm, chi tiêu đều được phục vụ như “Thượng đế” nhưng họ đâu phải là Thượng đế. Ô hay, “Thượng đế” rõ như ban ngày vậy mà con nhỏ chưa chịu, lại còn uẩn khúc gì nữa đây.
Bẵng đi ít lâu, ông cậu thấy vợ mình dạo này có gì khang khác, đụng chút là càu nhàu, nóng giận vô cớ. Nhân cô thạc sĩ xã hội học ghé nhà thăm, lại lúc vợ đi chợ, cậu Hai cầu cứu: Mợ giờ còn hơn sư tử, thích là phát thanh nghe mệt mỏi lắm, con tư vấn giúp cậu giải quyết tình huống. Như chỉ chờ có vậy, nó đằng hắng: Nhưng cậu Hai phải trả công đấy nhé! Đồng ý, cậu cháu có chi mà tính toán, giúp cậu ấm nhà, yên cửa là được. Rồi cô xã hội học suy đoán kiểu thám tử Sherlok Holmes nước Anh: Nào thu nhập gia đình hiện có giảm sút, chi tiêu có thiếu hụt không, thời điểm nóng giận là lúc nào… Chỉ vậy thôi cậu Hai đã chợt hiểu ra: Đúng như con út bảo, nhìn mẹ là biết nhiệt kế kinh tế nhà mình, nhất là những lúc thiếu tiền. Cậu Hai thấy chưa, nguyên nhân chính là tiền, đồng tiền như ma thuật khiến mợ “chợt vui, chợt buồn”… Nghe cô cháu nói ông thừa nhận, đúng là có chuyện con Hai đang sửa nhà, đứa cháu đích tôn thì cần sữa bột, con Út học năm cuối THPT đủ thứ phải lo, rồi chuyện hiếu hỉ… chắc nhiều lúc mợ con rối tung lên. Cô cháu tìm lời động viên: Để mợ dịu dàng, cậu ráng kiếm thêm tiền, càng nhiều càng tốt. Nghe đến đây, ông cậu thốt lên: Vậy tiền là “Thượng đế” hay sao? Con bé cười tươi, cậu gần biết “Thượng đế” là ai rồi đấy. Rõ khổ, câu hỏi cháu bảo đơn giản vậy mà giờ mình vẫn chưa có lời giải. Thấy cậu Hai tần ngần, cô cháu nói: “Thượng đế” ở ngay trước mắt cậu đó thôi!?
“Thượng đế” có phải là đồng tiền? Câu hỏi dẫn ta trở lại mục tiêu của người bán cà phê là lợi nhuận, những bà vợ dịu dàng hơn nhờ có tiền để chăm lo cho gia đình và trên hết thảy xã hội vận hành và phát triển được cũng nhờ có tiền. Và với tư cách chủ thể tạo ra đồng tiền, con người chính là “Thượng đế”. Bởi sức mạnh của đồng tiền nên không ít người sử dụng nó với âm mưu đầu cơ cho lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân… đang làm xói mòn đạo đức xã hội, xem thường luật pháp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị. Lỗi tại “Thượng đế” khi con người coi tiền là mục đích tối thượng. Và cuộc sống sẽ luôn tươi đẹp biết bao khi trong xã hội không còn ai nhắc đến: Lỗi tại “Thượng đế”.
Thanh Tâm