CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Quy định là... quy định!

(NTO) Có thể nói, cùng với sự phát triển kinh tế đất nước nói chung, tỉnh ta nói riêng, đời sống xã hội cũng ngày càng tiến bộ, đặc biệt là đời sống tinh thần. Không ít người dân ngày nay thông hiểu nhiều lĩnh vực mà họ quan tâm chỉ qua “thiết bị” cầm tay nhỏ gọn, lại tiện ích: nghe, xem, đọc, thậm chí là trao đổi... bất kỳ nơi nào, từ văn phòng làm việc hay ngay trên bờ ruộng vào lúc nghỉ tay làm đồng. Đúng là sống vào thời đại “thế giới phẳng” không có gì là “bí mật”, kể cả thói quen con người... Ấy vậy mà, có thói quen không tốt lẽ ra phải thay đổi để “hòa nhập” vào sự phát triển chung của xã hội nhưng lại khó đối với số đông người chứ không phải là thiểu số!. Đó là thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường sống, không chỉ với người chung quanh mà ngay cả với chính gia đình họ. Có dịp đi nhiều nơi, từ nông thôn đến thành thị, rác thải vẫn là nỗi lo về ô nhiễm môi trường. Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã đầu tư các thùng rác công cộng, động viên người dân bỏ rác có nơi có chỗ để tiện việc thu gom, tránh phát tán ra môi trường... nhưng đâu phải dễ dàng người dân “thực hiện” mặc dù không phải tốn kém gì. Thực tế nhận thấy rõ, nơi nào có cắm bảng đề “cấm đổ rác” thì y như rằng nơi đó rác vương vãi chung quanh hoặc thùng rác là để chứa rác nhưng không được người dân thực hiện mà lại bỏ rải rác bên ngoài!. Kênh mương cũng là nơi đổ rác vô tội vạ, vậy là từ mương nhỏ rác dồn ra mương lớn, mương lớn đổ ra sông, sông về biển... Cho nên không có gì lạ là khu vực bờ biển Bình Sơn-Ninh Chử - địa điểm tắm biển đẹp của tỉnh- lại đón nhận một phần rác thải này, tạo nên hình ảnh phản cảm cả du khách lẫn người dân trong tỉnh. Có người nửa đùa nửa thật nói rằng: - Dân mình có thói quen nghĩ... “ngược”, nói cấm thì hiểu là “cho” và ngược lại. Cho nên nếu thử cắm bảng “cho đổ rác nơi đây” chắc sẽ không ai mang rác đến đổ cũng nên!.

Một góc bãi biển Bình Sơn- Ninh Chử. Ảnh: Sơn Ngọc

Chuyện thật như đùa nữa là, mặc dù cấm hành vi phát tờ rơi, quảng cáo, dán cột điện... nhưng đâu vẫn vào đó, thậm chí còn “biến tướng” quảng cáo từ tờ rơi được thu nhỏ lại bằng tấm danh thiếp. Vậy là người bị phát tận tay không cần xem mà vứt ngay xuống đường, vừa tạo thêm rác, vừa mất cảnh quan, nhất là khi tỉnh ta vào mùa gió thì sẽ thành “bươm bướm”… bay như chơi!.

Được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-2-2017. Mức xử phạt cao nhất là từ 5-7 triệu đồng (mức cũ 3-4 triệu đồng) đối với hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, hay vứt rác vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị...Hay tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 5-5-2017. Theo đó, đối với trường hợp người phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông bị phạt tiền từ 2- 5 trăm ngàn đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Cũng có vi phạm bị xử phạt đến 30 triệu đồng…Tuy nhiên, quy định rất rõ, cụ thể “đến từng chi tiết” nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Cho nên, có người nói vui rằng quy định là để… quy định đó mà!.

Suy cho cùng, làm sạch môi trường, làm đẹp cảnh quan không phải việc riêng của chính quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Các loại rác thải, rác quảng cáo… đều có thể dọn sạch nếu tất cả mọi người chung tay.