Tân Sơn - điểm sáng về “Đền ơn đáp nghĩa”

(NTO) Thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) có 8 khu phố với dân số gần 12.600 khẩu/3.242 hộ. Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện nên thị trấn có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và giảm dần tỷ lệ nông nghiệp qua từng năm.

Có thể nói, đây chính là cơ sở để Tân Sơn đẩy lùi hộ nghèo, nâng tỷ lệ hộ khá giàu, phấn đấu trở thành “điểm sáng” của huyện về xóa đói giảm nghèo… Điều rất đáng ghi nhận ở đây nữa là qua nhiều năm kiên trì thực hiện tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” và hiệu quả mang lại là đến nay trên địa bàn thị trấn Tân Sơn 100% hộ gia đình chính sách, người có công (NCC) có mức sống bằng hoặc cao hơn so với người dân địa phương, không có hộ nghèo. Kết quả này không phải địa phương nào cũng làm được!.

Cán bộ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) thăm hỏi, động viên gia đình thương binh
trên địa bàn thị trấn.

Theo lãnh đạo thị trấn cho biết: Địa phương hiện có gần 220 đối tượng NCC cách mạng, trong đó có 3 gia đình thân nhân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 31 thương binh, 31 đối tượng là thân nhân gia đình liệt sỹ, 133 đối tượng hoạt động kháng chiến... Những năm qua, cả hệ thống chính trị cùng Ban quản lý 8 khu phố trong thị trấn đặc biệt quan tâm đến chính sách NCC cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với nhận thức đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm cao cả đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định cho các đối tượng, không có trường hợp nào khiếu nại, khiếu kiện… thị trấn còn thực hiện tốt vận động cho quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để có điều kiện “trợ giúp” cho những gia đình đối tượng chính sách còn khó khăn vươn lên cải thiện đời sống. Theo báo cáo của địa phương, chỉ tính từ năm 2006 đến 2016, thị trấn đã vận động gần 210 triệu đồng, đạt trên 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc quản lý, sử dụng quỹ này chặt chẽ, đúng mục đích theo quy chế quản lý và sử dụng quỹ. Đơn cử như đã hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ 1 lô đất ở trị giá 40 triệu đồng, hỗ trợ sửa chữa 5 nhà ở với số tiền 27 triệu đồng... Đặc biệt, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách được xem là nét riêng trong thực hiện công tác chăm sóc NCC tại địa phương. Đến nay, toàn thị trấn đã trao 25 sổ tiết kiệm trị giá 32,5 triệu đồng. Ngoài ra, nhân các ngày tết và ngày kỷ niệm Thương binh-Liệt sỹ (27-7), địa phương đều tổ chức đưa thân nhân đi viếng mộ ở nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, đáp ứng đầy đủ, kịp thời kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định. Không những vậy, thị trấn còn hỗ trợ thêm cho thân nhân gia đình với số tiền 600.000 đồng/năm. Ngoài nguồn kinh phí quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của thị trấn Tân Sơn đã quan tâm hỗ trợ chăm sóc, từ nguồn kinh phí của huyện cũng đã tặng 3 nhà tình nghĩa với số tiền 65 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng và sữa chữa 29 nhà với kinh phí 468 triệu đồng... Điều cũng rất đáng quý là NCC cách mạng nói chung đều tích cực gương mẫu phát huy truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, gương mẫu trong lao động sản xuất vượt khó vươn lên cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình và luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Khu phố 2 là một trong những đơn vị nổi bật, nhất là đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt chỉ tiêu được giao. Công tác chăm lo phụng dưỡng đối tượng chính sách được quan tâm đúng mức, đáng nói là từ đồng chí Bí thư Chi bộ đến Ban Quản lý khu phố và các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên đến tận nhà của đối tượng NCC để thăm hỏi, động viên, chia sẻ tâm tư tình cảm trong cuộc sống, sinh hoạt... Với những cách làm đó đã thực sự làm ấm lòng các gia đình chính sách tại địa phương. Với những kết quả đạt được nêu trên, cán bộ và nhân dân thị trấn được UBND tỉnh khen thưởng về công tác “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn 2006-2016.

Lãnh đạo thị trấn Tân Sơn cho biết: Tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian tới, thị trấn tiếp tục quan tâm chăm lo, giữ vững “danh hiệu” là địa phương chăm sóc tốt NCC, gia đình chính sách; bảo đảm 100% gia đình có công có mức sống trên trung bình mức sống chung của người dân ở địa phương.