Những uớc mong sum họp
“5 năm nay rồi không có Tết nào ba ở nhà. Tết vắng ba, cả nhà cũng thiếu đi không khí ấm cúng của gia đình…” – Đó là lời chia sẻ của em Anh Thư, học sinh lớp 7, Trường THCS Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Nhà Thư có 4 anh chị em, ba mẹ trước đây đều là nông dân, thu nhập chỉ dựa vào ruộng lúa nên rất khó khăn. Năm 2005, ba Thư là anh Nguyễn Thanh Tâm vào Sài Gòn làm thuê để có tiền cho cả 4 đứa con được ăn học. Nhà chỉ còn mấy mẹ con nương tựa vào nhau, mọi công việc đồng áng, nhà cửa nặng nhẹ đều đến tay mẹ… Ba Thư, nhận bán bông cho một người quen ở chợ lớn Sài Gòn, mỗi tháng gửi về cho gia đình 500 ngàn đồng. Càng những dịp lễ tết, công việc của anh càng bận rộn, thu nhập càng cao nên anh chấp nhận không về quê ăn Tết. Thế nên, chị em Thư phải đón những cái tết không có đủ không khí sum họp của cả gia đình.
Cũng nhắc đến chuyện sum họp trong ngày Tết, em Đinh Thiên Vũ, ở xã An Hải ao ước: “Em mong năm nay chị gái em được về ăn Tết cùng gia đình. Chị em làm xa nhà cả năm và cũng đã 3 cái Tết liền chị không ở nhà…”. Chị gái Vũ vào Bình Dương làm công nhân may đã được gần 4 năm. Cả năm bận rộn làm công nhân, dịp áp Tết hàng nhiều, phải tăng ca nên cô cũng đã 3 năm ở lại làm Tết để tăng thu nhập. Người đi làm ăn xa nhớ quê, nhớ Tết… và ở nhà, những người con, người em như Thư, như Vũ lại ngậm ngùi ao ước một không khí sum họp.
Rủ nhau đi làm ăn xa
Ở tỉnh ta hiện nay, số lao động đi làm ăn xa khá lớn và càng ngày càng tăng. Thậm chí, có gia đình có đến 3- 4 người đi làm ăn xa. Anh Nguyễn Nhật Sơn, giáo viên Trường THCS Phước Vinh cho biết: “Chỉ những dịp lễ tết thì xã mới đông vui hơn chút, còn ngày thường thì để tìm được vài thanh niên tốt nghiệp lớp 9 ở nhà cũng đã khó…”. Nói như vậy, bởi hầu hết thanh thiếu niên ở đây học hết lớp 9 đều bỏ làng đi làm ăn xa, chỉ có những dịp Tết mới về. Theo thống kê của xã Đoàn Phước Vinh: Hàng năm trên địa bàn xã có khoảng 500 – 700 lao động (chủ yếu trong độ tuổi từ 18 đến 35) đi làm ăn xa. Số lao động này chủ yếu vào Sài Gòn làm công nhân trong các xí nghiệp may mặc, các công ty xuất nhập khẩu, hoặc đi làm thuê cho các chủ thầu tư nhân… nói chung công việc chỉ cần sức lao động, không đòi hỏi nhiều về trình độ học vấn. Thậm chí, có người bỏ làng, bỏ quê lên Sài Gòn chỉ để bán vé số, đánh giày, bán hàng rong… Cuộc sống vất vả, thu nhập không cao nhưng còn hơn ở quê chỉ bám vào mấy sào ruộng đất.
Phần lớn lao động nông thôn vào làm công nhân tại các thành phố lớn
Tuy làm thuê lao động chân tay thu nhập không cao nhưng vì ở quê thiếu việc làm, bên cạnh đó là tâm lý có tiền nhanh nên nhiều thanh niên thậm chí là học sinh nông thôn chấp nhận bỏ học lên thành phố kiếm sống. Cô Nguyễn Thị T., ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước có 3 đứa con đang làm thuê ở Sài Gòn, cả 3 đều chưa tốt nghiệp lớp 9. Cô tâm sự: “Nhà nghèo, tôi cũng muốn gắng cho con ăn học đến nơi đến chốn nhưng nó thấy bạn bè đi làm thuê về có tiền mua áo quần, điện thoại di động thì cũng đòi bỏ học đi theo… tôi ngăn mãi không nổi.”
Tâm lý đi làm thuê dễ kiếm tiền và muốn đua đòi, mua sắm như bạn bè đang rất phổ biến ở thanh thiếu niên nông thôn. Và chính điều này đã đẩy nhiểu em từ bỏ việc học để dấn thân vào con đường kiếm sống. Có những làng quê, những gia đình có đất, có rẫy… nhưng tâm lý ngại khó, ngại làm nông dân đã đẩy những lao động của làng rời xa quê.
Những mong ước
Không phải ai cũng muốn xa đi làm ăn xa quê, không phải người nông dân nào cũng muốn rời bỏ ruộng vườn của mình để bon chen nơi thành phố mưu sinh… nhưng cuộc sống với bộn bề lo lắng đã buộc họ phải ra đi. Một năm thu nhập chỉ mấy tạ lúa không thể đủ cho 3- 4 đứa con ăn học. Thực tế, đã có những người nông dân biết làm giàu ngay chính trên mảnh đất của mình nhưng những trường hợp như vậy chưa nhiều và quan trọng là không phải ai cũng nghĩ được cách và đủ điều kiện để làm giàu. Chính vì vậy, việc nhân rộng những mô hình sản xuất, những lớp tập huấn về canh tác, sản xuất nông nghiệp hay phát triển các làng nghề nông thôn thực sự cần thiết để lao động nông thôn không phải đi làm xa.
“Em không muốn sau này phải đi làm thuê như chị, như ba… nên em gắng học giỏi để sau này có việc làm ổn định, có thể về làm việc ngay trên quê hương của mình…” – lời mong ước của em học sinh lớp 8 này cũng là lời khuyên cho những thanh, thiếu niên có tư tưởng bỏ học đi làm thuê, chỉ biết đến những đồng tiền trước mắt mà bỏ qua tương lai của mình.
Bích Thủy