Mùa xuân mới trên thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

Chỉ sau một thập niên đầu của thế kỷ mới, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã có bước phát triển vượt trội về mọi mặt, khẳng định vai trò đầu tàu về kinh tế-xã hội của cả tỉnh.

Với sự đầu tư mọi nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị như hiện nay, thành phố không chỉ phấn đấu sớm tới đích là đô thị loại 2 vào năm 2015 mà còn vươn xa hơn nữa để trở thành đô thị hiện đại, bền vững trong tương lai.

Những kết quả đáng ghi nhận

Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đô thị, với tổng vốn đầu tư 364 tỷ đồng đang được khẩn trương thi công ở khu vực Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Khi hoàn thành giai đoạn 2 ở khu vực Tháp Chàm thì thành phố sẽ có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, với chiều dài 11km và hệ thống xử lý nước thải hiện đại giải quyết cơ bản vấn đề môi trường từ nguồn nước thải sinh hoạt và khắc phục dần tình trạng ngập úng cục bộ trong các khu dân cư của thành phố.

Hồ sinh thái - góp phần tạo nên cảnh quan tươi đẹp cho Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Duy Anh.

Ðây là một trong rất nhiều dự án lớn đang được triển khai xây dựng trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm để đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại 2 trong 5 năm tới. Ðồng chí Trần Minh Nam, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: “Thời gian qua, thành phố đã được tỉnh quan tâm đầu tư rất lớn cho công tác kiến thiết đô thị vì vậy đã tạo cho thành phố có một vị thế mới trong khu vực. Phát huy lợi thế của đô thị trẻ, Ðảng bộ và nhân dân thành phố đã chung sức, chung lòng xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại”. Cảm nhận chung của người dân và cả những người xa quê nhiều năm trở về đều có nhận xét chung là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có sự đổi thay đến diệu kỳ. Giải mã cho sự bứt phá về không gian của thành phố hôm nay đó chính là hệ thống đường giao thông phát triển rộng khắp trong nội thị cũng như các vùng ngoại ô. Những con đường mới hình thành đến đâu, nơi đó xuất hiện các khu dân cư đông đúc. Ðến nay, hệ thống giao thông của thành phố đã gấp 3 lần so với năm 2001. Tổng chiều dài đường giao thông được bê-tông nhựa nóng là 160 km, trong đó có 78 tuyến đường phố chính, 18 tuyến đường vào các khu dân cư. Ngoài ra còn có trên 80 km đường nội phường, nội xã được bê -tông hóa. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng nhà chung cư, nhà liên kế, khu dân cư … thành phố có nhiều công trình nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Quỹ nhà ở đã nâng lên có gần 1.970.000 m2, bình quân đạt 12m2/người. Thành phố đã dành nhiều kinh phí đầu tư cho hệ thống công viên-cây xanh, tạo cảnh quan, môi trường đô thị ngày thêm đẹp và thân thiện. Ngoài những mảng cây xanh hiện hữu, thành phố vừa khởi công xây dựng Khu Ðô thị - Công viên biển Bình Sơn, trong đó diện tích công viên chiếm hơn 19 ha. Diện tích đất cây xanh của thành phố đã đạt 5,9 m2/người. Thành phố đã huy động sức dân trong công tác quản lý, thu gom rác thải và thực hiện hình thức thu gom rác không tiếp đất nên đã giải quyết cơ bản tình trạng tồn đọng rác trong các khu dân cư. Hệ thống nước sạch sinh hoạt và điện chiếu sáng đã phủ kín đến tất các các khu dân cư, có trên 98% các đường phố chính có hệ thống chiếu sáng.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển nên thành phố đã hình thành các khu trung tâm thương mại lớn ở cả khu vực Phan Rang và Tháp Chàm từ đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Trong 5 năm (từ 2005-2010), tổng mức đầu tư toàn xã hội của thành phố là 6.461 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng nền kinh tế 13,7%, GDP bình quân đạt 900 USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 2.052 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,7%. Riêng năm 2010, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế là 14,1%, thu ngân sách trên địa bàn là 415,5 tỷ đồng.

Hướng đến một đô thị thân thiện, bền vững

Ðể thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ X, ngay từ những ngày đầu xuân 2011, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng kiến thiết đô thị với nhiều công trình dự án về giao thông, thoát nước, nhà ở chung cư và những công trình phúc lợi xã hội tiếp tục triển khai để đáp ứng các tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2015. Ðồng chí Trần Minh Nam tâm sự: “Trong 5 năm tới, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố là huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối mở rộng không gian đô thị. Nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho toàn xã hội trong thời gian này là rất lớn khoảng 11.000-12.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế là 60%, vốn ngân sách 40%. Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự thân thiện giữa các nhà đầu tư với cơ quan quản lý nhà nước để thu hút các nguồn vốn xây dựng phát triển thành phố”. Ðể thực hiện chủ trương kết nối, mở rộng không gian đô thị, thành phố tập trung xây dựng mới hệ thống giao thông về phía đông-đông bắc, phía tây và vùng ven biển. Các tuyến đường như: đường đôi hai cửa ngõ vào thành phố, đường ven biển, đường Phan Ðăng Lưu, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Trần Phú-Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Thị Minh Khai, quốc lộ 27 B và đường Trường Chinh được nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại. Xây dựng khu đô thị mới theo hướng phát triển vùng; hình thành khu đô thị phía đông bắc (khu K1 và K2) và khu hành chính trung tâm của thành phố, của tỉnh gắn với khu du lịch Bình Sơn-Ninh Chử tạo thành trung tâm văn hóa – thông tin - dịch vụ-du lịch và thương mại của cả tỉnh.

Trong tương lai thành phố kết nối không gian đô thị với các vùng lân cận tạo sự liên hoàn thúc đẩy phát triển ngành du lịch- dịch vụ. Thành phố xác định cần có sự đầu tư đúng mức cho việc chỉnh trang đô thị; tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp các khu dân cư cũ, xây dựng những khu dân cư nhỏ, nhà chung cư cho người có thu nhập thấp; phát triển thị trường tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Thông qua công tác quy hoạch, khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai theo hướng phát triển đô thị, thành phố sẽ tích cực phối hợp với các ngành để xây dựng các chương trình, dự án, tranh thủ các nguồn vốn của trung ương để đầu tư các công trình có quy mô lớn. Tiếp tục phát triển mạnh kinh tế đô thị, trên cơ sở chọn ngành thương mại-dịch vụ là khâu đột phá, công nghiệp chế biến là động lực, phát triển công nghiệp hiệu quả và bền vững. Hình thành các trung tâm thương mại-dịch vụ ở trung tâm thành phố, xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị ở vùng biển và các khu đô thị mới; tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng mạng lưới chợ phường-xã theo hướng xã hội hóa, nhất là vùng đông dân cư, xa trung tâm. Thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Ðể trở thành đô thị hiện đại, thân thiện và phát triển bền vững trong tương lai thành phố dành diện tích đất thích hợp cho phát triển hệ thống công viên, cây xanh, hình thành vành đai xanh ở khu vực ngoại ô để bảo vệ lá phổi xanh của đô thị.

Với hoạch định phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng kỹ thuật sẽ là cơ sở tạo đà cho nền kinh tế của thành phố phát triển nhanh, bền vững. Theo đó vào năm 2015 quy mô kinh tế sẽ tăng 2,3 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành tăng 20%-21%/năm, thu ngân sách nhà nước 1.000-1.100 tỷ đồng. Trước mắt trong năm 2011, thành phố phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 16%-17%, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 512 tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân 1.000 USD/người.

Những tia nắng ấm áp của Xuân Tân Mão đã về trên khắp các cung đường, góc phố như tô thắm thêm dáng vóc hiện đại, trẻ trung của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Từ hoạch định trong tiến trình phát triển đô thị, sự đồng lòng, chung sức của Ðảng bộ và nhân dân thành phố tin tưởng rằng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm sẽ sớm vươn đến đạt mục tiêu đô thị loại 2 và trở thành đô thị hiện đại và bền vững trong tương lai.