Ông Phạm Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, cho biết: Địa phương hiện có 345 tàu thuyền/22.000 CV, bình quân 63,8 CV/chiếc. Để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, ngoài việc vận động ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, xã còn phối hợp với Chi cục Thủy sản và các ngành mở nhiều lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, thuyền viên cho hàng trăm lượt ngư dân. Qua đó, giúp ngư dân nâng cao tay nghề và có điều kiện pháp lý trong việc hành nghề khai thác hải sản. Điều đáng nói là hiện nay đa số tàu thuyền của ngư dân địa phương đều được trang bị đầy đủ các thiết bị như: Máy dò ngang, đèn Led… nên trong quá trình đánh bắt hải sản đã tiết kiệm được từ 30-50% nhiên liệu. Không những thế, hiện nay ở địa phương các chủ tàu cá còn thành lập các Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, với gần 100 tàu thuyền tham gia, mỗi tổ có từ 11-14 tàu hoạt động cùng ngư trường, tạo điều kiện giúp nhau trong quá trình đánh bắt, đạt sản lượng cao hơn.
Ngư dân xã Thanh Hải đầu tư tàu thuyền công suất lớn khai thác hải sản hiệu quả.
Ngoài ra, thực hiện chính sách về phát triển thủy sản của Chính phủ, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia đóng mới tàu công suất lớn, vươn khơi đánh bắt hải sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, trên địa bàn xã có 4 tàu cá đóng mới đã hoàn thành đưa vào hoạt động, 1 tàu đang thi công dự kiến đến cuối năm nay hoàn thành; 4 hồ sơ khác đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ và đảm bảo an toàn cho ngư dân trong quá trình khai thác hải sản trên biển, xã còn phối hợp với Đồn Biên phòng Thanh Hải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá ký cam kết không tàng trữ chất nổ, vật liệu nổ và các hình thức khai thác hải sản mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản; vận động các chủ tàu cá hành nghề khai thác ven bờ, nghề lưới vây rút mùng chuyển đổi nghề hoặc đầu tư đóng mới tàu thuyền để vươn khơi đánh bắt hải sản.
Nhờ năng lực tàu thuyền ngày càng phát triển, nên sản lượng đánh bắt hải sản của xã Thanh Hải hằng năm tăng khá. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác đạt gần 3.000 tấn. Nhiều ngư hộ đã “ăn nên làm ra” với mức thu nhập bình quân từ 100-200 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Ly, ngư dân thôn Mỹ Tân 2, hành nghề lưới vây, cho biết: Nhờ đầu tư tàu công suất lớn và trang bị hiện đại, nên sau mỗi chuyến biển, tàu của gia đình khai thác được từ 8-10 tấn cá các loại, doanh thu khoảng 50-60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi bạn tàu được khoảng 4-5 triệu đồng/người.
Để đẩy mạnh nghề khai thác hải sản ở địa phương, theo ông Phạm Xuân Thành, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, triển khai sâu rộng chính sách phát triển kinh tế biển; vận động ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá công xuất lớn để vươn khơi bám biển dài ngày. Đồng thời, tập trung vận động để các tàu cá hành nghề vây rút mùng chuyển đổi nghề; tiếp tục duy trì và thành lập, nâng cao chất lượng các tổ đoàn kết khai thác đánh bắt hải sản trên biển; liên kết với các ngân hàng tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đầu tư đóng mới tàu thuyền theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm giúp ngư dân nâng cao thu nhập, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tiến Mạnh