(NTO) Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 300 cơ sở kinh doanh, buôn bán các sản phẩm vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản… Ngoài ra còn có 2 doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp (chuyên sản xuất phân bón hữu cơ), là Nhà máy phân bón Nam Thành (huyện Thuận Bắc), Công ty TNHH Nam Việt Ninh Thuận (huyện Bác Ái). Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm có quy mô tương đối lớn (gồm Công ty, nhà phân phối, đại lý cấp I), mạng lưới phân phối rộng trên địa bàn tỉnh; còn lại ở các huyện đa phần là các cửa hàng, hộ gia đình có quy mô nhỏ, lẻ. Phần lớn các sản phẩm vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường trong tỉnh đều “nhập” từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngoài tỉnh thông qua các nhà phân phối, chi nhánh, đại lý trong tỉnh. Theo thống kê, hàng năm nông dân trong tỉnh phải bỏ ra nhiều trăm tỷ đồng để tiêu thụ không dưới con số 35.000 tấn phân bón các loại, chưa kể thuốc BVTV.
Nông dân thôn Nha Húi (Mỹ Sơn, Ninh Sơn) sử dụng chế phẩm phòng trừ ruồi vàng gây hại trên vườn táo. Ảnh: Sơn Ngọc
Nhìn chung các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) đều chấp hành tốt các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, thực hiện nghiêm túc các quy định về niêm yết giá và công bố chất lượng hàng hóa... Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định; ghi nhãn hàng hóa sai quy định, không phù hợp với nội dung, bản chất hàng hóa hoặc thiếu nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn, bao bì sản phẩm; thậm chí còn đưa ra thị trường những sản phẩm không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam; chất lượng VTNN kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả gây thiệt hại cho người sản xuất. Thử đến một số điểm bán VTNN mới thấy mức độ “đa dạng” chẳng khác nào “mê hồn trận” của hàng trăm chủng loại phân bón, thuốc BVTV, nhất là phân bón lá vi lượng được cho là cao cấp với giá cả cũng không phải là thấp cấp, làm cho người mua khó lòng chọn lựa nếu không có “tư vấn viên” đồng thời là người bán hàng mách nước!. Thật, giả khó biết ngoại trừ thiệt đơn thiệt kép hại của nông dân là có thật nếu quá cả tin mà mua trúng phải loại phân, thuốc giả hoặc kém chất lượng bởi “công nghệ” sản xuất chỉ bằng...cuốc xẻng!...
Thực tế cũng cho thấy, việc quản lý kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do các tổ chức kinh doanh các mặt hàng VTNN kể trên có số lượng lớn, đa dạng về mẫu mã, chủng loại lại nằm dàn trải trên phạm vi toàn tỉnh nên rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó nhận thức của một bộ phận nông dân về các sản phẩm phân bón, thuốc BVTV... còn hạn chế, chưa phân biệt được chất lượng, chủng loại hàng hóa nên việc sử dụng các sản phẩm cho cây trồng, vật nuôi hiệu quả chưa cao.
Trước thực trạng nêu trên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng VTNN. Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị đã nêu, yêu cầu đặt ra là ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh và chất lượng VTNN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện tốt công tác kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc BVTV và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Cần chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường công tác thanh, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Ngoài ra, tuyên truyền, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhất là các mặt hàng VTNN...
Suy cho cùng, để giảm bớt “tổn thất” cho nông dân rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và các cấp chính quyền như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, có như vậy mới hy vọng làm “lành mạnh” thị trường VTNN được.
HH