Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: Những năm qua, diện tích trồng mì của xã luôn đạt mức ổn định là 600 ha, nhưng đến thời điểm kết thúc khâu xuống giống cây mì vào đầu tháng 6 này, qua ước tính diện tích mì chỉ còn 400 ha, giảm 200 ha so với cùng vụ. Trong đó, nông dân chuyển đổi 100 ha sang trồng cây mía, 100 ha còn lại bỏ đất trống hoặc trồng các loại cây ngắn ngày như đậu xanh, bắp. Cũng gặp tình trạng tương tự, qua khảo sát của cán bộ nông nghiệp xã Quảng Sơn, diện tích trồng mì của địa phương tụt giảm từ 1.150 ha giảm xuống còn 750 ha.
Nông dân xã Hòa Sơn chăm sóc cây mì niên vụ 2017- 2018.
Ông Nguyễn Văn Trị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn, lý giải: Trong hai niên vụ mì 2015-2016 và 2016- 2017, nông dân trồng mì liên tiếp gặp phải tình trạng mất mùa, giá thu mua mì biến động. Đặc biệt là niên vụ 2016-2017, nông dân gặp nhiều khó khăn khi giá mì tươi được thu mua giảm hơn 400 đồng/kg (1.250 đồng/kg) so với các năm về trước, cộng thêm tình trạng cây mì bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 làm nhiều diện tích mì bị hư hại, chữ bột trong cây mì thấp. Mất nguồn thu trong hai năm liên tiếp, nông dân không mấy mặn mà để tiếp tục sản xuất mì. Thay vào đó, nông dân tự chuyển đổi sang trồng mía, tìm hướng đi mới trong sản xuất.
Từ thực tế trên, việc nông dân đột ngột tự chuyển đổi cây mì sang cây mía theo hướng tự phát sẽ làm mất cân đối trong cơ cấu nông nghiệp tại địa phương. Hệ quả trước mắt là tình trạng thừa, thiếu xảy ra. Trong đó, nguồn nguyên liệu mì cung ứng cho nhà máy Tinh bột mì Fococev tại địa phương sẽ thiếu hụt, trong khi đó, các doanh nghiệp mía lại bị áp lực trong khâu thu mua vì cung vượt cầu, điều này có thể đẩy giá mía đi xuống. Theo ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Việc nông dân địa phương tự phát chuyển đổi cây mì sang mía tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường trước như giá cả và khâu thu mua. Trước mắt, địa phương đang tích cực hỗ trợ nông dân và Nhà máy Tinh bột mì Fococev ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, đồng thời quy hoạch thời vụ sản xuất cho từng vùng để khắc phục tình trạng dồn ứ mì như các năm trước giúp nông dân yên tâm sản xuất và có nguồn thu nhập ổn định. Vì vậy, nông dân không nên nóng vội tự chuyển đổi sang trồng mía theo hướng tự phát để tránh những rủi ro không đáng có.
Lê Thi