Bác Ái hướng đến phát triển diện tích trồng mía

(NTO) Huyện miền núi Bác Ái có hơn 28.000 dân, trong đó có hơn 90% là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 12.300 ha. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vài năm trở lại đây, nhiều địa phương trong huyện đã vận động nông dân chuyển sang trồng mía, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

 
Cây mía góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân huyện Bác Ái.

Phước Chính là một trong những xã phát triển mạnh cây mía trong thời gian qua. Chị Patâu Axá Thị Lục, cán bộ nông nghiệp xã, cho biết: Trước đây, bà con nông dân chỉ quen sản xuất các loại cây trồng truyền thống như: Lúa, bắp, mỳ…, nhưng từ năm 2013 đến nay, được chính quyền địa phương tích cực vận động, bà con đã đưa cây mía vào trồng đại trà, với diện tích hiện có trên 65 ha. Ngoài ra, những nông hộ tham gia trồng mía còn được Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang tạo điều kiện vay vốn 2 triệu đồng/ha để làm đất và được cán bộ kỹ thuật trực tiếp bám ruộng hướng dẫn bà con từng khâu trong suốt quá trình chăm sóc đến thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra, nên bà con rất yên tâm đầu tư sản xuất. Anh Katơ Bốc, thôn Suối Rớ chia sẻ: Nhận thấy các hộ lân cận trồng mía cho hiệu quả cao mình mạnh dạn trồng thử nghiệm 1,5 ha, sau thành công của vụ đầu tiên, đầu năm 2014, mình quyết định mở rộng diện tích lên 4 ha. Qua mỗi vụ thu hoạch năng suất bình quân đạt 70 tấn/ha, với giá công ty thu mua tại ruộng 900 ngàn đồng/tấn, trung bình mỗi héc-ta, sau khi trừ chi phí, mình thu lãi trên 30 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp 5-6 lần so với với trồng cây bắp, cây đậu trên cùng một chân đất.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tổng diện tích cây mía trên địa bàn huyện Bác Ái có hơn 300 ha, phân bố khắp các xã trong huyện. Qua thực tế sản xuất, cây mía đã khẳng định được ưu điểm vượt trội, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Do đó, vừa qua, huyện Bác Ái đã làm việc với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang về Dự án liên kết trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn. Theo đó, phía công ty sẽ thuê lại đất của người dân để trồng 300 ha mía tại thôn Ma Oai, xã Phước Thắng. Sau khi kết thúc dự án sẽ hoàn trả lại đất cho người dân. Đồng chí Katơ Phương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Đây được xem là cơ hội cho bà con địa phương có điều kiện phát triển kinh tế. Khi dự án triển khai không chỉ giúp người dân có thêm việc làm trên chính mảnh đất của mình, mà còn tạo điều kiện để các hộ dân tiếp cận kiến thức về kỹ thuật trồng mía hiệu quả…

Có thể nói, việc nông dân Bác Ái đang đầu tư phát triển diện tích trồng mía là hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ khi chuyển sang trồng mía bà con không chỉ tiếp cận được phương thức canh tác mới, mà tiềm năng, lợi thế đất đai ở địa phương cũng được khai thác, phát huy hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng cao, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.