Cây sầu riêng trồng trên vùng đất xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Sơn Ngọc
Nhằm giúp cho nông dân trồng sầu riêng nâng cao chất lượng và ổn định năng suất, hạn chế hiện tượng sượng cơm, bà con nên chú ý và áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sau:
1- Khi quả sầu riêng khoảng 12 tuần tuổi trở đi, hiện tượng sượng cơm thường xuất hiện. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong cần vệ sinh, bón phân, tưới nước đầy đủ giúp cây ra đọt đồng loạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ra hoa, đậu quả đồng loạt.
2- Trong thời gian cây sầu riêng đậu quả, gặp những trận mưa lớn trái mùa, cây thường ra đọt non và gây cạnh tranh dinh dưỡng với quả. Do đó, bà con cần phun KNO3, MKP để hạn chế cây ra đọt non. Trong thường hợp mưa lớn liên tục, sử dụng ny-lon che gốc cây sầu riêng để hạn chế hiện tượng nhão cơm.
3- Thường xuyên thăm vườn để kịp thời tỉa bớt quả nhỏ, quả dị dạng hoặc những chùm đậu quá nhiều quả, nên để lại một lượng quả nhất định và chọn những quả đều nhau sẽ cho năng suất, chất lượng quả tốt, quả sẽ không bị sượng cơm.
4- Bón phân cân đối, không bón thừa phân trong giai đoạn phát triển quả, nhất là phân đạm. Đối với cây sầu riêng tuyệt đối không sử dụng phân có chứa Chlor (ví dụ: phân KCl), khuyến cáo nên sử dụng phân K2SO4. Sầu riêng cần nhiều kali, nhất là giai đoạn quả trưởng thành và chín, bón đủ lượng phân kali sẽ giúp cho cơm của quả có màu vàng đậm, vị ngọt hơn.
5- Phun phân bón lá có chứa Bo sau khi đậu quả để hạn chế hiện tượng cháy múi, cần bổ sung thêm các chất canxi, magiê. Chú ý, khi cây còn nhỏ tuổi chưa đủ sức nuôi quả hoặc trên cây già cỗi thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu canxi và magiê thì không nên để nhiều quả hoặc không nên để lại các quả quá to.
6- Thu quả đúng độ chín, trong quá trình thu hoạch tránh làm quả bị dập hay tiếp xúc với đất sẽ dễ bị nhiễm bệnh thối quả. Để quả nơi khô, mát, cho quả chín tự nhiên.
Phan Công Kiên