Theo kế hoạch, vụ hè-thu năm nay huyện Thuận Nam gieo trồng trên diện tích 1.574 ha, trong đó: Diện tích lúa 870 ha; bắp 120 ha; rau các loại 100 ha; đậu các loại 160 ha, cây hằng năm 324 ha. Đến thời điểm hiện nay nông dân các địa phương đã gieo trồng được 442 ha, đạt 28,1% so với kế hoạch, trong đó diện tích lúa đạt 200 ha, chủ yếu tập trung tại 3 xã: Phước Hà (138 ha), Nhị Hà (12 ha) và Phước Ninh (50 ha); diện tích cây màu khác đã gieo trồng 114,5 ha. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất canh tác tại xã Phước Nam và một phần tại xã Phước Ninh do không đảm bảo nguồn nước tưới nên huyện đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động nông dân không xuống giống, để tránh xảy ra thiệt hại.
Nông dân Thuận Nam làm đất, xuống giống vụ hè-thu.
Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi bà Thiết Thị Chuẩn ở thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh tập trung xuống giống đậu xanh trên diện tích 2 sào đất của gia đình. Bà Chuẩn cho biết: Vụ trước gia đình bà trồng lúa, tuy nhiên được xã hướng dẫn về chuyển đổi cây trồng nên trong vụ này bà đã chuyển sang trồng đậu xanh với hy vọng cho năng suất và thu nhập cao. Không riêng gì hộ bà Thiết, nhiều nông dân trên địa bàn huyện cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè-thu theo đúng kế hoạch của UBND huyện gắn với liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Đến nay, đã xuống giống số diện tích chuyển đổi cây trồng được 127,5 ha/190 ha, trong đó diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang đậu xanh 84 ha, tập trung tại xã Phước Hà (2 ha), Nhị Hà (32 ha) và Phước Ninh (50 ha); diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang dưa hấu 2,5 ha tại xã Nhị Hà và từ cây lúa chuyển sang trồng cỏ được 30 ha…
Đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn để chỉ đạo các phòng, ban và các địa phương hướng dẫn nông dân tiếp tục xuống giống các phần diện tích còn lại; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia chuyển đổi cây trồng đảm bảo năng suất, hiệu quả, chất lượng theo đúng kế hoạch của địa phương; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng; Trạm Thủy nông căn cứ kế hoạch của UBND huyện chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết nước phục vụ sản xuất đúng thời vụ, đặc biệt lưu ý đáp ứng nhu cầu sử dụng nước đối với các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
Được biết, trong vụ hè-thu này, huyện Thuận Nam cũng chỉ đạo các địa phương thành lập các Tổ hợp tác, Tổ liên kết để đại diện cho các nông hộ vùng chuyển đổi cây trồng cạn ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp thông qua xác nhận của chính quyền địa phương.
Thế Quang