Phong trào thi đua phải lấy người nghèo làm trọng tâm, không để người nghèo bị bỏ sót, lãng quyên và rơi lại phía sau trong quá trình tiếp cận các chính sách…Theo đó, chỉ tiêu phấn đấu bình quân hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% - 1,5%. Riêng huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giảm từ 3 - 4%/năm…; Cải thiện sinh kế, nâng chất lượng cuộc sống người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến năm 2020 tăng 1,5 lần so cuối năm 2015, đối với xã nghèo, huyện nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, DTTS tăng gấp 2 lần…
Từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước giúp đồng bào Raglai xã Phước Hà (Thuận Nam) chăn nuôi gia súc có sừng,
vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Sơn Ngọc
Nhìn lại phong trào thi đua thực hiện giảm nghèo của tỉnh những năm qua cho thấy, tuy còn nhiều khó khăn, nhất là nhiều địa phương phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán kéo dài trong vòng ba năm trở lại đây không những ảnh hưởng đến kinh tế, việc làm, thu nhập của hàng ngàn nông hộ mà còn tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội...nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là nỗ lực của chính người dân, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Các chính sách, dự án giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện đồng bộ, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo như hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm, cứu đói,... kết cấu hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường đầu tư xây dựng, người nghèo được tiếp cận tốt hơn sự trợ giúp của Nhà nước và các dịch vụ xã hội cơ bản; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt; nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả được phát hiện và nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh… Chỉ tính đến cuối năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo đã được kéo giảm xuống khá “sâu” theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 12,54% so với năm 2015. Trong số này, cao nhất là huyện nghèo Bác Ái hộ nghèo chiếm đến 52,13%, thấp nhất là Tp. Phan Rang-Tháp Chàm chỉ còn 3,38%. Tuy nhiên, cân phân mà nói, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn cao. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) toàn tỉnh còn 20.252 hộ nghèo, giảm 2,39% so với cuối năm 2015; ngược lại hộ cận nghèo 16.647 hộ, chiếm 10,31% tổng số hộ toàn tỉnh, tăng 1,49% so với cuối năm 2015. Đây sẽ là một khó khăn và thách thức trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững của tỉnh trong thời gian tới, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp các ngành và của nhân dân, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh.
Để đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, thực hiện đạt các chỉ tiêu hàng năm như đã nêu trên, vấn đề quan trọng là cần tập trung cải thiện theo hướng đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người nghèo, kết hợp việc thực hiện đồng bộ các dự án, đề án, chương trình, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận chính sách, nguồn lực, thị trường. Chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi luân chuyển; khuyến khích sự chủ động tích cực tham gia của người nghèo, chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, bảo đảm tính bền vững trong giảm nghèo. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn vay tín dụng ưu đãi, gắn với hướng dẫn phương thức sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương. Bảo đảm cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tổ chức thực hiện tốt việc hỗ trợ mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), khám chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo. Tiếp tục vận động và kêu gọi các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhận hỗ trợ, giúp đỡ huyện, xã nghèo tăng cường kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; đào tạo nghề và nhận lao động nghèo vào làm việc …
Điều quan trọng nhất là sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, huyện; sự vào cuộc của các Sở, ngành liên quan; sự quyết tâm của của xã và đặc biệt là cần xác định đúng hộ nghèo, hộ cận nghèo và nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của từng hộ, qua đó có giải pháp trợ giúp cụ thể để họ nỗ lực vươn lên thoát nghèo một cách bền vững…
HH