Thuận Nam: Chăm lo tốt đời sống đối tượng chính sách, người có công

(NTO) Những năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, huyện Thuận Nam luôn chú trọng thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho các đối tượng chính sách trên địa bàn. Qua đó, kịp thời động viên, tạo điều kiện cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Huyện Thuận Nam hiện có 1.879 đối tượng, gia đình chính sách, người có công, trong đó có 76 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 516 liệt sỹ, 204 thương, bệnh binh… Ngoài việc triển khai thực hiện kịp thời, đúng, đủ những chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đều nỗ lực với những chương trình, hành động thiết thực nhằm quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Các gia đình chính sách ở xã Phước Hà (Thuận Nam) được các cơ quan, đơn vị hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, ổn định cuộc sống.
Ảnh: Sơn Ngọc

Cụ thể, để thực hiện tốt các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng chính sách, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công đến người dân trên địa bàn huyện; tham mưu UBND huyện tiếp tục thực hiện các nghị định, thông tư, pháp lệnh thực hiện chính sách ưu đãi người có công; tập trung giải quyết các hồ sơ chính sách liên quan đến vấn đề hưởng chính sách ưu đãi…

Từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cùng với các chính sách ưu đãi, trong năm 2016, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 20 căn nhà cho các gia đình chính sách, người có công, với tổng trị giá 560 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công vào các dịp lễ, tết; chăm lo, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2017, huyện đã triển khai xây dưng 2 căn nhà cho các đối tượng chính sách, với tổng kinh phí trên 80 triệu đồng, góp phần giải quyết bức xúc về nhà ở cho các đối tượng chính sách.

Đón chúng tôi trong căn nhà mới, ông Trịnh Văn Được (thương binh 61%) ở thôn Nho Lâm, xã Phước Nam không giấu được niềm vui, ông chia sẻ: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình được hỗ trợ 40 triệu đồng xây căn nhà mới thay thế căn nhà cũ đã xuống cấp. Đây là động lực lớn lao đối với gia đình. Giờ có được điểm tựa vững chắc, gia đình cũng an tâm phát triển kinh tế.

Là địa phương có truyền thống cách mạng, những năm gần đây, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn huyện Thuận Nam đã và đang từng bước được đẩy mạnh xã hội hóa. Từ những học sinh cấp I, cấp II đã biết “nuôi heo đất” để tham gia phong trào “Áo lụa tặng bà”, đến những cụ cao tuổi tích cực động viên con cháu ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa… Đồng chí Nguyễn Lam, Trưởng phòng Lao động-Thương Binh và Xã hội huyện Thuận Nam, cho biết: Mỗi năm huyện vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 200 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công. Việc huy động và sử dụng quỹ được thực hiện hiệu quả, không chỉ là những hỗ trợ thiết thực, mà còn góp phần củng cố niềm tin trong xã hội, để Nhân dân trong huyện ngày càng đồng lòng chung tay thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Điều đáng quý là các gia đình thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng đã phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đời sống của gia đình người có công ngày càng được nâng lên ngang bằng với mức sống bình quân của địa phương. Ở các địa phương trên toàn huyện, các gia đình chính sách, gia đình cách mạng đã gương mẫu xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Nhiều thương binh, bệnh binh thể hiện rõ quyết tâm và nghị lực, thực hiện tốt lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế” như thương binh Võ Văn Vũ, thôn Thương Diêm 2 (xã Cà Ná), sau khi thống nhất đất nước trở về với gia đình, kinh tế gặp không ít khó khăn. Với tinh thần lạc quan của một chiến sỹ cách mạng không lùi bước trước khó khăn, dù sức khỏe không tốt vẫn hăng hái sản xuất, làm chủ trang trại chăn nuôi để gia đình “có của ăn, của để”… Những tấm gương sáng về lòng yêu nước, sự kiên cường, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, việc chăm lo chu đáo người có công còn là tình cảm, trách nhiệm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Nam nhằm ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.