VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo !

(NTO) Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước không còn là mơ ước mà đã ngày càng được hiện thực hóa bằng các dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đăng ký đầu tư tại tỉnh với quyết tâm cao.

Trước đây, ngày 18-9-2016 Trưởng Ban kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã có những gợi mở, phân tích làm rõ những lợi thế của Ninh Thuận, đặc biệt trong phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và năng lượng mặt trời. Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/s, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện. Quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt xác định tiềm năng phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận gồm 5 khu vực với tổng diện tích 21.432ha, tổng công suất dự kiến 1.429 MW, khả năng khai thác đến năm 2030 khoảng 2.500 MW với sản lượng 5.475 triệu kWh. Tỉnh ta còn có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn. Theo WB, bình quân lượng bức xạ mặt trời của Ninh Thuận trên 320 kcal/cm2/năm, trong đó tháng ít nhất là 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm, do đó tỉnh ta có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước...

Để biến những lợi thế này thành hiện thực, ngày 26 -10- 2016 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU «Về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020». Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là phát triển công nghiệp năng lượng. Nghị quyết nêu rõ:”Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Tập trung thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng như: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”.

Với định hướng nêu trên, bằng quyết tâm nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tỉnh ta đã xây dựng các chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay trên địa bàn tỉnh có 9 dự án điện gió được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 514MW, tổng vốn đăng ký 19.702 tỷ đồng, tổng diện tích đất khảo sát 3.567 ha. Đồng thời chấp thuận chủ trương cho 3 dự án với quy mô công suất 267MW, tổng vốn đăng ký 9.974 tỷ đồng với tổng diện tích đất khảo sát 3.537,5 ha. Đối với điện mặt trời, mặc dù Quy hoạch chưa được phê duyệt nhưng đã có 39 nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát nghiên cứu tìm kiếm các vị trí đầu tư với tổng quy mô công suất khoảng 8.607 MW; tổng điện tích đất khảo sát khoảng 13.896 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 276.904 tỷ đồng và hơn 14 nhà đầu tư có thư quan tâm. Trong số này có 7 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, đầu tư thí điểm với tổng công suất khoảng 821 MW; tổng diện tích mặt đất khảo sát khoảng 1.691 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 26.506 tỷ đồng...Điều cũng rất đáng ghi nhận là, để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án tổ chức khởi công xây dựng với tổng công suất 74,6MW; 2 dự án đang đẩy nhanh hoàn tất thủ tục, dự kiến khởi công trong tháng 4-2017 (Nhà máy điện gió Phước Hữu-Duyên Hải 1 với công suất 30MW và dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại với công suất giai đoạn 1: 6 MW). Mặt khác, đối với các dự án có tiến độ triển khai chậm, vi phạm tiến độ theo Luật Đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung rà soát, yêu cầu chủ đầu tư có cam kết tiến độ chi tiết, ký quỹ để xem xét từng trường hợp cụ thể, đồng thời giao các sở liên quan tổ chức thanh tra để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật...Chủ trương của tỉnh là “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư có thiện chí, quyết tâm đầu tư tại tỉnh ta nhưng cũng kiên quyết xử lý, chấm dứt hoạt động đối với các dự án của những nhà đầu tư không có khả năng triển khai theo quy định của Luật Đầu tư...

Có thể nói, con đường đi đến “trung tâm năng lượng sạch của cả nước» mà tỉnh ta quyết tâm xây dựng đã dần rút ngắn khoảng cách, vấn đề còn lại là tỉnh cần cụ thể hơn nữa các cơ chế, chính sách liên quan làm cơ sở thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, không những phát triển năng lượng mà còn sản xuất các thiết bị linh kiện phục vụ cho phát triển năng lượng.