•Công bố danh sách BCH TƯ Đảng khoá XI
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Trương Tấn Sang- Thường trực Ban Bí thư BCH TƯ Đảng khoá X báo cáo tiếp thu giải trình của Đoàn Chủ tịch về ý kiến thảo luận của các đại biểu đối với các văn kiện Đại hội XI của Đảng.
Báo cáo của Đoàn Chủ tịch cho biết, từ chiều ngày 12.1 đến hết ngày 14.1.2011, Đại hội thảo luận phần văn kiện và nhận được 1.402 lượt ý kiến phát biểu ở các đoàn và 27 ý kiến ở hội trường. Không khí thảo luận sôi nổi, có trao đổi, tranh luận. Nội dung các ý kiến rất phong phú, thẳng thắn, tâm huyết.
Hầu hết các ý kiến đồng tình với các văn kiện trình Đại hội XI và cho rằng, nội dung các văn kiện đề cập đến những vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước; các văn kiện được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học và nghiêm túc, có sự đổi mới cả về nội dung và cách thể hiện; đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình thực tế của đất nước và của Đảng, có tính tổng kết và khái quát cao; đã tiếp thu nghiêm túc, có chọn lọc ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp, góp ý của các tổ chức và nhân dân; có nhiều điểm mới so với các văn kiện gửi đại hội đảng các cấp và công bố lấy ý kiến nhân dân, chất lượng được nâng lên; đã đạt được sự thống nhất cao trong những vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng, giữa các văn kiện chưa có sự trùng khớp về một số nội dung, chưa thể hiện rõ tinh thần đổi mới mạnh mẽ, chưa toàn diện, sâu sắc; một số chủ trương và giải pháp chưa cụ thể, chưa sát thực và tính khả thi chưa cao; chưa tập trung giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề bức xúc của xã hội, của nhân dân. Một số ý kiến cho rằng, cần xem lại một số nhận định, khái niệm và một số chi tiết cụ thể để đảm bảo tính chính xác, thống nhất giữa các báo cáo, cũng như giữa các phần trong mỗi báo cáo. Các ý kiến phát biểu tại Đại hội đã phân tích, làm sáng tỏ, sâu sắc thêm và bổ sung nhiều nội dung quan trọng, cả trong quan điểm chung và trong từng lĩnh vực cụ thể.
Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho tiếp thu những ý kiến hợp lý, xác đáng để hoàn chỉnh các văn kiện Đại hội, đồng thời để chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn sắp tới. Đối với một số vấn đề khó, còn có ý kiến khác nhau, Đoàn Chủ tịch xin Đại hội cho ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn sau Đại hội XI. Đối với những kiến nghị sửa đổi một số từ ngữ, sắp xếp lại câu chữ hoặc sửa một số lỗi văn bản, Đoàn Chủ tịch xin giao Bộ Chính trị khoá XI chỉ đạo sửa chữa, hoàn thiện trước khi công bố chính thức.
Đoàn Chủ tịch cũng trình bày một số vấn đề lớn, quan trọng trong các văn kiện để Đại hội xem xét, quyết định trước khi bỏ phiếu biểu quyết một số vấn đề trong các văn kiện Đại hội XI như: Về chủ đề Đại hội khoá XI, có ý kiến băn khoăn cho rằng chủ đề căn bản giống chủ đề Đại hội X, chỉ khác ở thành tố thứ tư (“Tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”). Đoàn Chủ tịch xác định: Chủ đề Đại hội là tư tưởng chỉ đạo định hướng hoạt động của Đảng, xác định trọng tâm trong mỗi thời kỳ nhất định. Chủ đề Đại hội (cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị) hiện nay gồm 4 thành tố, vừa kế thừa, vừa phát triển chủ đề Đại hội X, vừa thể hiện tập trung, cô đọng nhất mục tiêu, nhiệm vụ, động lực của cách mạng nước ta trong những năm tới. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch kiến nghị Đại hội cho khẳng định chủ đề của Đại hội XI là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Về dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển), đa số đều đồng ý với tên gọi của Cương lĩnh như Dự thảo, nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và bảo vệ” để tên của Cương lĩnh là “Cương lĩnh xây dựng và bảo vệ đất nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Sau khi phân tích, đánh giá, cân nhắc, Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho biểu quyết để lựa chọn một trong hai phương án. Phương án 1: Giữ tên gọi như Dự thảo; phương án 2: bổ sung cụm từ “và bảo vệ”.
Về đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng, đa số ý kiến đại biểu đồng tình thể hiện như trong Dự thảo: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Một số ý kiến đề nghị thể hiện như trong văn kiện Đại hội X: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp” hoặc “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Vấn đề này, Đoàn Chủ tịch cũng đề nghị Đại hội cho biểu quyết để lựa chọn 1 trong 2 phương án. Thứ nhất là giữ theo Dự thảo, phương án sau là chọn “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”.
Về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đa số ý kiến đồng tình như Dự thảo. Có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn về quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN, nội hàm của định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta. Có ý kiến cho rằng, vừa xác định các thành phần kinh tế bình đẳng, cùng phát triển lâu dài, vừa xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là mâu thuẫn. Đoàn Chủ tịch khẳng định: Thực tế phát triển kinh tế những năm qua, nhất là trong điều kiện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu càng cho thấy phải khẳng định vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước và vai trò quan trọng, làm nòng cốt của doanh nghiệp nàh nước, gắn với vai trò quản lý và điều tiết nền kinh tế của Nhà nước. Như vậy, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không mâu thuẫn, không hạn chế sự phát triển bình đẳng, lâu dài các thành phần kinh tế, mà chính là mở đường, thúc đẩy, tạo điều kiện, tạo động lực cho sự phát triển mạnh các thành phần kinh tế khác. Do đó, Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ cụm từ “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như Dự thảo.
Đoàn Chủ tịch cũng báo cáo Đại hội nội dung tiếp thu và giải trình một số nội dung về Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội năm 2011- 2020 như tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế; quan điểm phát triển; mục tiêu chiến lược và các khâu đột phá; định hướng phát triển kinh tế- xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thực hiện thắng lợi Chiến lược; về Báo cáo chính trị; về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong 5 năm 2011- 2015 (đề nghị giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7- 7,5%/năm như Báo cáo chính trị); về giới thiệu người vào Đảng (đề nghị giữ như Điều lệ Đảng hiện hành); về thẩm quyền kỷ luật đảng viên của cấp uỷ các cấp; về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH TƯ khoá X. Cũng trong buổi sáng ngày 18.1, Đại hội đã công bố danh sách 175 Uỷ viên BCH TƯ khoá XI và 25 Uỷ viên dự khuyết.
Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI họp phiên đầu tiên, bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Sáng ngày 19.1, Đại hội Đảng CSVN bế mạc, ra mắt BCH TƯ khoá mới.
BT