(Trích tham luận của đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam)
...Đảng ta luôn đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ và đề ra nhiệm vụ lãnh đạo, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng thực hiện nam nữ bình đẳng. Ðặc biệt, trong 5 năm qua, những kiến nghị của Hội LHPN Việt Nam tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X đã cơ bản được thực hiện. Chỉ sau Ðại hội chưa đầy một năm, Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được ban hành; tiếp đó là một số chủ trương như kéo dài tuổi làm việc của phụ nữ như nam giới ở một số chức danh; Quốc hội đã tổ chức giám sát về bình đẳng giới; Chính phủ có báo cáo hằng năm về thực hiện pháp luật bình đẳng giới; gần đây, Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020...
... Thực hiện Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng, 5 năm qua, kinh tế - xã hội của đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng. Ðó là do sự nỗ lực phấn đấu của Ðảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam...
Chiếm hơn 50% dân số và hơn 47% lực lượng lao động xã hội, với khát vọng tiến bộ, bình đẳng, phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Phong trào 'Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc' do Hội LHPN Việt Nam phát động đã được phụ nữ cả nước nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước...
Với những đóng góp đáng ghi nhận trong xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, tích cực lao động, sản xuất, công tác, chăm lo xây dựng gia đình, phát huy xứng đáng truyền thống 'Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang' trong thời kỳ mới và ngày càng khẳng định vai trò của mình, tham gia đầy đủ hơn trong tiến trình phát triển của đất nước, cộng đồng và gia đình.
Tuy nhiên, thực tế là phụ nữ vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Ðó là: cơ hội việc làm còn hạn chế do ít được đào tạo. Tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo là 80,9%, khu vực nông thôn là gần 90%, chỉ có 3,65% lao động nữ ở vùng nông thôn có chứng chỉ nghề. Thu nhập thực tế của nữ chỉ bằng gần 80% so với thu nhập của nam giới. Có sự chênh lệch lớn về trình độ học vấn của phụ nữ so với nam giới ở các bậc học cao. Tỷ lệ nữ tiến sĩ chỉ chiếm hơn 10%, nữ giáo sư khoảng 6%, phó giáo sư hơn 10%. Cơ hội tiếp cận giáo dục, học tập của trẻ em gái, phụ nữ nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số còn hạn chế; số lượng nữ chuyên viên cao cấp, nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp.
Ðể tiếp tục thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, tăng cường sự tham gia, đóng góp của phụ nữ đối với đất nước và gia đình, Ðảng đoàn Hội LHPN Việt Nam đề nghị với Ðảng, Nhà nước:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phụ nữ. Coi việc phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới; công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình, trong đó hạt nhân lãnh đạo là cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là Hội LHPN Việt Nam nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực và kết quả cụ thể trong tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 'nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực'.
Thứ hai, về xây dựng và hoàn thiện các chính sách, luật pháp:
Ðảng đoàn Hội LHPN Việt Nam tiếp tục kiến nghị với Ðảng và Nhà nước sớm xem xét chỉ đạo rà soát, sửa đổi bổ sung có hướng dẫn cụ thể các chính sách, luật pháp để bảo đảm tính đồng bộ và thực hiện đúng nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ là 'Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm' và quy định của Luật Bình đẳng giới là 'Nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức'. Cơ bản và quan trọng nhất là sửa Ðiều 145 của Bộ luật Lao động về việc quy định chế độ hưởng hưu trí hằng tháng đối với người lao động và một số chính sách khác bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như Quy chế cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước, hướng dẫn về độ tuổi cán bộ đưa vào quy hoạch; tuổi bổ nhiệm, quy định luân chuyển cán bộ, thi nâng ngạch, phong học hàm và các danh hiệu cao quý của Nhà nước...
Ðề nghị Ðảng và Nhà nước ban hành chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò trong xây dựng gia đình và nuôi dạy con, nhất là các chính sách phát triển nhà trẻ, mẫu giáo; các trung tâm tư vấn hôn nhân - gia đình và phòng, chống tệ nạn xã hội, buôn bán phụ nữ - trẻ em và bạo lực gia đình; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số; chính sách đào tạo lại cho phụ nữ trí thức, hỗ trợ phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi tham gia đào tạo, bồi dưỡng; nâng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề có chứng chỉ chuyên môn, kỹ thuật; chính sách thuế đối với nữ chủ doanh nghiệp; hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ cao tuổi đơn thân, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, các cơ quan Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết định kỳ việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết, luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, về phụ nữ và có biện pháp biểu dương, đôn đốc, nhắc nhở. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và đóng góp của phụ nữ, lên án các tư tưởng, hành vi phân biệt đối xử, coi thường, xúc phạm phụ nữ, đồng thời giới thiệu các gương phụ nữ tiêu biểu.
Phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt của mình, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục kiện toàn, củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tích cực, chủ động tham mưu đề xuất với Ðảng những chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ; tham mưu, giới thiệu tạo nguồn cán bộ nữ và giới thiệu quần chúng là phụ nữ ưu tú với Ðảng; đa dạng hóa các hình thức để tập hợp các đối tượng phụ nữ, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.