Tình người trên đảo Song Tử Tây

Buổi đầu đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ sở hạ tầng khang trang ở đây.

 Đường đi, lối lại được bê tông hóa, xanh ngắt những hàng phong ba.…Tiếp đất với bước đi hãy còn chuếnh choáng vì say sóng, tôi ngồi nghỉ dưới tán phi lao. Chị là Trần Thị Nga, công nhân quốc phòng của đảo- giọng sang sảng tay bắt mặt mừng: “Vào độ cuối năm như thế này, nhớ nhà, nhớ quê dữ lắm. Mình ra cầu cảng chờ tàu riết thành lệ. Ở đây chẳng thiếu thứ gì nhưng quà Tết từ đất liền quý không kể xiết. Lính đảo và dân gọi đó làm lộc đầu năm”.

 
Khoảnh khắc tình đồng đội.

…Cạch…Cạch…Có tiếng thước gõ và tiếng đồng thanh vọng ra từ một phòng nhỏ. Hỏi mới biết, chúng tôi đang đứng phía sau Trường Tiểu học Song Tử Tây. Đó là một dãy nhà cấp 4. Âm thanh trong trẻo kia đến từ những cô cậu học trò lớp vỡ lòng. Phòng học trang trí bảng biểu với những họa tiết ngộ nghĩnh là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của chính thầy - trò. Một góc tường trong gian phòng nhỏ, dòng chữ “Lưu bút thầy và trò” nổi đỏ trên nền giấy trắng tinh. Những tình cảm thân thương của học sinh cuối cấp hiện ra trong nét chữ tròn trịa khi chia tay lớp học để về đất liền.

Chia tay thầy – trò nhà trường, chúng tôi tìm gặp Chính trị viên đảo thuộc Lữ Đoàn 146 để tìm hiểu cuộc sống người lính biển. Gặp cánh phóng viên, đồng chí Chính trị viên Hồ Quốc Ánh bộc bạch: “Lính đảo quen sóng quen gió không quen phát biểu, anh em ta ngồi nói chuyện kiểu tâm tình thôi, các đồng chí thông cảm cho”. Mục đích phỏng vấn thất bại ngay từ câu nói chân chất của người nhà binh nhưng hóa ra lại là… thắng lớn của chúng tôi. Tâm tình lính biển ùa về như diều gặp gió. Trong hàng ghế chiến sĩ, tôi ấn tượng nhất anh chàng binh nhì Dương Đình Luyện, quê ở Thái Thụy, Thái Bình. Ngồi khép nép như con gái mới về nhà chồng, Luyện chỉ góp điệu cười mỉm cho mỗi lời tếu của chỉ huy hay đồng đội. Luyện nói: “Thấy mấy anh chị ra thăm, em nhớ nhà nhiều hơn. Đợt này tàu ra, sẽ có mấy đứa lính như em hết nghĩa vụ về đất liền, lại thêm nhớ…”.

Những ngày “lang thang” trên đảo, tôi phần nào hiểu được cái “nhớ đất liền dai dẵng” là lòng người nơi đảo xa. Nỗi nhớ không lời được chuyển thành quyết tâm hành động. Cả quân và dân xã đảo chắc tay súng, vững niềm tin xây dựng và bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc…

Diễm My(Gửi về từ Trường Sa)