Trường Sa hôm nay không chỉ rợp bóng cây bàng vuông, cây phong ba hay mù u…mà còn thêm xanh bởi những vườn rau và cây ăn quả. Bữa ăn của lính đảo có thịt, cá và rau xanh. Thỉnh thoảng thêm đu đủ cho món tráng miệng. Song song với đời sống tinh thần, đời sống vật chất của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa được cải thiện rõ rệt.
Những cơn mưa tràn về xứ đảo như tiếp thêm nhựa sống cho những chồi non. “Vườn rau Thanh niên” trên đảo chìm Đá Nam vốn căng mình chờ nước nay đã xanh hẳn. Thiếu đất, thiếu nước ngọt, cộng với khí hậu khắc nghiệt, việc trồng rau ở đảo chìm quả là rất khó. Do vậy, bộ đội Trường Sa được tập huấn phương pháp, quy trình trồng rau.
Trên cơ sở chọn những loại rau, củ có khả năng thích nghi tốt với môi trường nơi đây, 100% các đơn vị có vườn rau đảm bảo thức ăn “tươi”, nâng cao chất lượng bữa ăn cho lính đảo. Nhưng hễ mùa khô đến, rau ở đảo chìm lại vật lộn với cái nắng, cái gió chát mặn của biển. Để đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt hằng ngày, mỗi người tự giác tiết kiệm từng giọt nước một. Máng nước thải từ nấu nướng, tắm giặt được lọc sơ qua vải mùng rồi dẫn thẳng ra vườn rau. Khay rau mầm thì chắt chiu từ nước rửa mặt. Chiến sĩ Lê Văn Thắng ở đảo Đá Nam chặc lưỡi: “Thiếu nước một lẽ, phần gió biển mang muối táp hết ngọn non, lá mo lại như bị cháy. Cứ phải che nắng và che gió 24/24, may ra mới có rau dùng thường xuyên”. Được ưu đãi về diện tích, các đảo nổi thuận lợi hơn trong tăng gia sản xuất. Đại úy Đinh Trọng Bảy – Trợ lý hậu cần đảo Sơn Ca phấn khởi: “Mỗi phân đội nhận chăm sóc vườn rau 30 m2. Mồng tơi, cải bẹ, dền, rau muống, bạc hà…mỗi loại vài luống. Riêng bộ phận hậu cần quản lý 50 khay rau mầm, đảm bảo mỗi ngày sử dụng 7 khay. Đáng mừng nhất là 30 giàn bầu, bí và mướp vụ vừa rồi thu hoạch gần 5 tạ. Nhờ đó, bữa ăn của bộ đội luôn đảm bảo đủ rau xanh”.
Rau mầm luôn có trong mỗi bữa ăn của bộ đội Trường Sa.
Đảo cấp III Sinh Tồn Đông là một đảo nhỏ, bốn bề là biển, đất dành cho tăng gia không nhiều nên chọn giải pháp trồng rau tập trung. Vườn rau được chắn gió bằng ván ép và mành nhựa. Ngoài giờ huấn luyện, bộ đội lại loay hoay bắt sâu, làm cỏ, tưới nước…Thậm chí, một ngày không thăm rau lại thấy nhớ. Chẳng phụ công người chăm sóc, rau quả lớn nhanh và tươi tốt quanh năm.
Trên đảo, ít ong bướm, việc thụ phấn cho hoa phần lớn từ tay người. Thượng uý Trần Đình Điệp (đảo Sơn Ca) là người khá “mát tay”. Hoa nào được anh chấm phấn, hầu hết đậu trái rất tốt. “Có anh em còn không phân biệt được đâu là hoa đực, đâu là hoa cái, cứ thấy hoa là quét phấn, quét mãi chẳng thấy phấn đâu, vui phải biết” - Thượng úy Điệp chia sẻ một cách hóm hỉnh. Là người “học việc” từ Thượng úy Điệp, Trung sĩ Nguyễn Anh Thành kể lại buổi đầu vụng về của mình: “Việc thụ phấn chẳng dễ chút nào. Hoa mướp khá giòn, tôi làm gẫy nhiều đến nỗi anh Điệp phát cáu. Mất hơn tuần lễ, tôi mới quen tay”. Có đặt chân đến Trường Sa mới biết được điều thú vị này về lính đảo. Các anh không chỉ giỏi chuyên môn mà thụ phấn cho hoa cũng tài tình như nông dân thực thụ. Những quả mướp xanh rì, những giàn bí trĩu quả là niềm tự hào của lính đảo xa.
Thế mới biết, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, bộ đội Trường Sa không những làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương mà còn tăng gia sản xuất giỏi. Xuân đang về, Trường Sa lại thêm xanh…
Diễm My (Gửi về từ Trường Sa)