Đại tá, Pgs, Ts. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Chiến thắng ấy được tạo nên bởi nhiều nguyên nhân, trong đó sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đóng vai trò quyết định.
Đầu tháng 4-1975, sau khi mất quyền kiểm soát toàn bộ Quân khu 1 và hầu hết Quân khu 2 (trừ hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận), chính quyền và quân đội Sài Gòn rơi vào tình thế khó khăn nghiêm trọng. Để cứu vãn nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chế độ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu một mặt kêu gọi chính phủ Mỹ viện trợ khẩn cấp binh khí kỹ thuật, đưa lực lượng không quân trực tiếp tham chiến; mặt khác nhanh chóng củng cố lực lượng, thiết lập hệ thống phòng thủ mạnh hy vọng giữ được phần lãnh thổ còn lại, chờ đợi đến mùa mưa (khi đối phương gặp nhiều khó khăn về hậu cần, sức cơ động...) sẽ tổ chức phản công chiếm lại những vùng đất đã mất. Để ngăn chặn cuộc tiến công của Quân giải phóng theo đường số 1, Nguyễn Văn Thiệu đã đồng ý với đề nghị Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam cộng hòa sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào Quân khu 3, đồng thời lập tuyến phòng thủ từ xa ở Phan Rang (Thị xã tỉnh Ninh Thuận) để bảo vệ Sài Gòn. Lực lượng phòng thủ bao gồm: Sư đoàn bộ binh 2 (thiếu), Liên đoàn 31 biệt động quân, Sư đoàn 6 không quân, một số tàu chiến cùng lực lượng bảo an, dân vệ địa phương với tổng quân số khoảng hơn 10.000 người. Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 3 được thành lập tại sân bay Phan Rang, dưới quyền chỉ huy của viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng thủ. Phòng tuyến Phan Rang được các cố vấn Mỹ và chính quyền Sài Gòn mệnh danh “lá chắn thép” góp phần vào cuộc phòng thủ chiến lược chung toàn miền (1)
Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não Ngụy quyền Ninh Thuận lúc 9h30, ngày 16-4-1975.
Ảnh: Tư liệu
Về phía cách mạng, trước những chuyển biến nhanh chóng của cục diện chiến tranh, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã họp và nhận định: “về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi”(2). Từ nhận định đó, Bộ Chính trị đã quyết định: “nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm" (3). Bộ Chính trị đề ra yêu cầu cấp bách: Cần cơ động lực lượng và phương tiện chiến tranh hướng về mục tiêu trọng yếu Sài Gòn-Gia Định trong thời gian nhanh nhất để chuẩn bị cho đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Tiến công địch tại Hộ Diêm. Ảnh: Tư liệu
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng thời căn cứ vào tình hình chiến sự ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ đang diễn biến rất nhanh, có lợi cho cách mạng, ngày 2-4-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Cánh quân Duyên hải (Cánh quân phía Đông) nhằm tập trung lực lượng đang có mặt ở các tỉnh ven biển hình thành thêm một hướng tiến quân chủ lực mạnh, vừa đánh địch, vừa mở đường với tốc độ thật nhanh, khẩn trương đến kịp thời gian phối hợp cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Lực lượng Cánh quân Duyên hải gồm đại bộ phận Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324 ở lại bảo vệ Huế, Đà Nẵng và làm lực lượng dự bị), được tăng cường Sư đoàn 3 bộ binh, Tiểu đoàn 3 thiết giáp Quân khu 5, do Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa làm Bí thư Ban cán sự Đảng lâm thời. Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Cánh quân Duyên hải: “nhanh chóng tiến theo đường số 1 chọc thủng phòng tuyến địch ở Phan Rang, tiếp đó cùng với các lực lượng B2 đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khống chế sông Lòng Tàu, đặt pháp tầm xa ở Nhơn Trạch hoặc Thành Tuy Hạ chế áp mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn, có phương án vượt sông thọc sâu vào trung tâm thành phố”(4). Ngày 4-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 nêu rõ: “Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng"(5). Như vậy, ý định đập tan “lá chắn thép” Phan Rang ngay từ đầu đã nằm trong chủ trương và quyết tâm chiến lược chung của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo và giao cho Cánh quân Duyên Hải trực tiếp thực hiện.
Theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 5-4-1975, Trung tướng Lê Trọng Tấn đã truyền đạt mệnh lệnh đến chỉ huy Quân đoàn 2 -lực lượng nòng cốt trong Cánh quân Duyên hải: “chúng ta phải hết sức khẩn trương, phải giành giật từng giờ từng phút. Thời gian là vàng ngọc, Quân đoàn 2 làm sao đúng ngày 7 tháng 4 khối đi đầu có thể xuất phát được. Vừa hành quân vừa tác chiến làm sao khuôn gọn vào 18 ngày; chỉ được phép trong vòng 18 ngày, toàn quân đoàn phải có mặt ở nơi tập kết-địa điểm tại Rừng Lá (Bà Rịa) cách Xuân Lộc 20 km”(6). Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi Cánh quân Duyên hải phải cơ động 32.000 quân với 2.267 xe, pháo, tăng, thiết giáp trên chặng đường dài gần 1.000km trong điều kiện địch còn chống trả quyết liệt. Ngày 11 tháng 4, khi địch tiếp tục tăng cường lực lượng phòng thủ Phan Rang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điện cho Trung tướng Lê Trọng Tấn yêu cầu: “hết sức chú ý đến tốc độ tiến quân, nếu thấy đánh Phan Rang không thuận lợi, lại mất thời gian, thì chỉ để một lực lượng bao vây thị xã, còn đại bộ phận tìm cách vòng qua, khắc phục khó khăn về hậu cần và đường sá, tiến nhanh vào miền Đông Nam Bộ” (7). Trước sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải đứng trước 2 phương án lựa chọn: phương án 1, nếu chỉ để một lực lượng ở lại bao vây Phan Rang, còn đại quân thực hiện vòng tránh thì địch có thể tăng cường lực lượng cho Phan Rang vừa để phòng thủ, hoặc có thể tổ chức phản công thực hiện đánh phá ta từ phía sau; phương án 2, nếu ta kiên quyết tiến công, nhanh chóng đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, quân địch ở Bình Thuận, Bình Tuy, Xuân Lộc sẽ mất thêm một chỗ dựa, tinh thần chiến đấu suy giảm, tạo thuận lợi cho lực lượng ta nhanh chóng áp sát Sài Gòn.
Xe tăng quân giải phóng truy kích quân địch tại cửa ngõ vào Thành Sơn.
Ảnh: Tư liệu
Quyết định chọn phương án 2, ngày 14-4, Trung tướng Lê Trọng Tấn lệnh cho Sư đoàn 3 phối hợp cùng một số đơn vị bạn tiến công tuyến phòng thủ Phan Rang. Quân đội Sài Gòn được phi pháo yểm trợ, dựa vào địa hình có lợi, cùng với hệ thống công sự vững chắc chống trả quyết liệt. Qua hai ngày chiến đấu, Sư đoàn 3 mới chỉ chiếm được một số mục tiêu ngoại vi. Trước sức ép của Quân giải phóng, trưa ngày 15-4, Tổng trưởng Quốc phòng chính quyền Sài Gòn (Trung tướng Trần Văn Đôn) cùng với Tư lệnh Quân đoàn 3 (Trung tướng Nguyễn Văn Toàn) đã đáp máy bay ra Phan Rang để động viên tinh thần binh sĩ, đồng thời lập kế hoạch tiếp tục chi viện chỗ trợ cho lực lượng phòng thủ.
Lúc này, trên phạm vi toàn chiến trường miền Nam, lực lượng vũ trang giải phóng trên các mặt trận ra sức chiến đấu, đang cùng nhau hướng về trọng điểm Sài Gòn với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng”, mong góp phần vào thắng lợi cuối cùng của kháng chiến. Điều đó đã thôi thúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ Cánh quân Duyên hải quyết tâm vượt qua khó khăn đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang của địch. Ngày 16-4-1975, Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên hải đồng ý để Quân đoàn 2 tung Sư đoàn 325 vào chiến đấu. Quân đoàn thay đổi cách đánh: “thực hiện cách đánh tiến công trong hành tiến, tổ chức một lực lượng thọc sâu mạnh, dùng xe tăng kết hợp với xe bánh hơi vận chuyển lực lượng của Sư đoàn 325 đánh thẳng theo đường số 1 vào chiếm thị xã Phan Rang rồi tỏa ra các hướng (...), phối hợp cùng với các mũi tiến công của Sư đoàn 3 và các lực lượng địa phương nhanh chóng bao vây, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch đồn trú ở Ninh Thuận, giải phóng địa bàn” (8). Trước sự tiến công mãnh liệt của Quân giải phóng, chỉ sau một ngày, lực lượng phòng thủ Phan Rang hoàn toàn bị đánh bại, tuyến phòng thủ ở tỉnh Ninh Thuận của quân đội Sài Gòn bị đập tan. Nhằm biểu dương chiến công trong trận Phan Rang, ngay trong đêm 16-4-1975, thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2, Quân khu 5. Đồng thời, Đại tướng đã chỉ thị cho các đơn vị “khẩn trương củng cố lực lượng, tiếp tục hành quân và phát triển tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, giành những chiến thắng mới” (9).
Như vậy, chiến thắng Phan Rang (tháng 4-1975) là đòn giáng nặng nề, đập tan ý định co cụm phòng thủ chiến lược của quân đội Sài Gòn ở các tỉnh dọc miền duyên hải Nam Trung Bộ, góp phần tạo ra thế và lực mới rất thuận lợi cho cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Thắng lợi ấy chính là một minh chứng khẳng định cho đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại thời điểm xoay bản lề để đi đến kết thúc của cuộc chiến tranh dài ngày và ác liệt nhất trong lịch sử dân tộc n
(1) Để nêu bật vị trí, vai trò của tuyến phòng thủ Phan Rang, ngày 2/4/1975, Cao Văn Viên (Đại tướng-Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam cộng hòa) ra lệnh “cố thủ từ Phan Rang trở lại”. Còn Đồng Văn Khuyên (Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận Quân đội Việt Nam cộng hòa) tuyên bố: “Bằng bất cứ giá nào, phải cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng đánh xả láng tại đó”. Dẫn theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.942.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.95.
(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.951.
(4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.951.
(5) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.951.
(6) Dẫn theo Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Chiến trường mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.276.
(7) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.952.
(8) Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.186-187.
(9) Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.766.