Thời đó, lứa học trò cấp ba hồi trước giải phóng ai ai cũng thuộc làu câu thơ của Tố Hữu “Lớp cha trước lớp con sau/Đã thành đồng chí quanh câu quân hành”. Và noi gương cha anh mình, lớp thư sinh chúng tôi xung phong lên đường tham gia chiến dịch mùa xuân năm 1975. Mới hành quân đến Quảng Trị thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi được dịp tán vui: “Mỹ-Ngụy nghe tin binh đoàn “tri thức” sợ quá bỏ chạy rồi !”. Nói là tri thức bởi lính tổng động viên chủ yếu là học sinh năm cuối cấp ba và sinh viên đại học. Đất nước hòa bình, lớp lính “nhất quỷ, nhì ma” rủ nhau xin giải ngũ về tiếp tục học tập. Số đông được cho ra quân, một số trên giữ lại. Nằm trong số không được giải ngũ, tôi gặp cấp trên hỏi thì được thông báo: Các đồng chí có cha anh hiện là sĩ quan quân đội, lại có học thức, làm nguồn cán bộ cho quân đội sau này. Thế rồi, tôi được trên cho học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng. Sau ba tháng bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin, tôi được bổ sung về đơn vị công binh thi công đường Hồ Chí Minh, phía Tây tỉnh Bình Trị Thiên. Mới đầu tôi được giao nhiệm vụ giám sát, nghiệm thu kết quả, báo cáo tiến độ thi công đường của đơn vị. Việc đội nắng ngày hơn 10 tiếng đồng hồ, bởi phải đi sớm về muộn, kiểm tra từng công đoạn thi công, nhất là kỹ thuật đối với đoạn đường xây ta-luy chắn sạt lở vách núi cao, kiểm tra độ siêu cao (dốc dọc) nơi đường cong, thi công cấu trúc rãnh xương cá đoạn đường nước ngầm ngập lụt… mà mỗi cung đường đơn vị thi công hơn chục km. Thế nên, chạy đi, chạy lại như con thoi hằng ngày đưới nắng Trường Sơn đỏ lửa, cùng những lúc mùa gió Lào hanh khô nên trông tôi gầy, đen đúa chẳng khác gì cột nhà cháy. Thời gian sau, tôi về phụ trách đội khoan đá. Cứ nghĩ nhàn hạ hơn, ai dè khoan đá đường hầm hàng chục mét sâu trong núi. Mỗi lần tan ca là tai ù đặc, mồm, mũi sặc bột đá, chỉ cần ho nhẹ là thấy màu bột xám đặc quánh trong nước bọt. Khổ cực ráng chịu được nhưng lũ ruồi vàng thì thật đáng sợ. Chỉ cần có mùi thuốc nổ bộc phá là chúng mò đến từng bầy, đàn đàn, lớp lớp. Dù bạn có che chắn cơ thể kín thế nào, nhưng chỉ hở một chút thôi, trong phút giây nào đó là chúng chích liền để lại cho bạn vết ngứa gãi cả tuần, tháng và chỉ khi nào nơi đó thành vảy nến bung ra mới hết ngứa. Rồi chẳng mấy chốc, hơn hai năm tôi về làm lính công binh, Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) qua mau. Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôi được Trung đoàn tặng giấy khen và được trên đưa về học ôn lại văn hóa để thi vào Trường Sĩ quan lục quân. Sau sáu tháng ôn thi với thành tích học tập đạt loại giỏi, tôi được kết nạp vào Đảng. Khi là học viên sĩ quan, tôi tiếp tục phấn đấu rèn luyện, học tập, công tác, hoàn thành nhiệm vụ đảng viên dự bị và trở thành đảng viên chính thức.
Sau này, do hoàn cảnh gia đình, tôi xin chuyển ngành khỏi quân đội. Hơn ba mươi năm sau, có dịp gặp lại anh chính trị viên đại đội, người đã động viên, dìu dắt tôi những ngày phấn đấu vào Đảng, nay là cán bộ Học viện Quân sự, tâm sự: Cậu có biết tại sao ngày đó về đơn vị công binh, rồi được giao toàn việc khó khăn, gian khổ hay không? Thực lòng, tôi chỉ biết kỷ luật là sức mạnh quân đội, cấp trên giao nhiệm vụ gì cũng phải hoàn thành nhưng khi anh chia sẻ đó là quãng thời gian thử thách ý chí phấn đấu, rèn luyện, công tác đối với tôi trước khi tổ chức xem xét kết nạp vào Đảng.
Giờ đây, thế giới và cả nước đang bước vào kỷ nguyên của khoa học và công nghệ tự động hóa, tiêu chuẩn, yêu cầu phấn đấu rèn luyện vào Đảng cũng khác. Kể lại chuyện phấn đấu vào Đảng của những người cầm súng như chúng tôi trước đây với mong ước góp phần chắp cánh cho lớp đảng viên trẻ vững vàng tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của Đảng trong giai đoạn mới.
Trường Ninh