Hồi ức những người lính năm xưa

(NTO) Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng quê hương Ninh Thuận (16/4/1975 – 16/4/2017), chúng tôi đã tìm gặp lại những người lính năm xưa từng trực tiếp tham gia các trận đánh và giải phóng Phan Rang. Những câu chuyện hào hùng của một thời được các chú, các anh kể lại rất sống động như chỉ mới diễn ra hôm qua.

Dẫu biết cuộc chiến ngày nào giờ đã lùi xa, nhưng ký ức về những tháng năm hy sinh gian khổ, về tình đồng đội yêu thương gắn bó nhau vẫn còn mãi mãi trong trái tim đầy cảm xúc của những cựu binh. Chúng tôi xin giới thiệu 2 hồi ức của đồng chí Tô Văn và đồng chí Phạm Tất Thắng, cán bộ đặc công, biệt động đã có mặt trong đoàn quân giải phóng ngày ấy.

Đồng chí Tô Văn (Lê Văn Nhiễm)
Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên Chỉ huy đơn vị đặc công:

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, tâm trí tôi thường trôi ngược về những kỷ niệm hào hùng của một thời. Bấy giờ là một trong những cán bộ chỉ huy của Tiền phương C, với cương vị Phó Chính trị viên rồi Chính trị viên, ngay ngày 2-4-1975, tôi và các đơn vị Tiền phương C đã có trận đánh mở màn tấn công, giải phóng ấp chiến lược Sông Mỹ (Tân Sơn, Ninh Sơn). Tiền phương C gồm có các Đại đội 610, 311, 317A (Công binh), C90 (Bác Ái) và H15 (pháo mặt đất của Tỉnh đội) phụ trách mặt trận Bác Ái và đường 1 (Quốc lộ 1A).

Ở Sông Mỹ, đang tảo thanh (bắt tù binh, thu vũ khí) thì nghe tin địch kéo quân từ Lâm Đồng chạy xuống, đơn vị tôi chặn đánh tiêu diệt được 2 xe bọc thép. Trên đường tiến về Phan Rang, tỉnh lỵ của Ninh Thuận, ngày 4-4-1975, tôi và các đồng đội bị máy bay địch phát hiện sau khi chúng bắn cháy một xe chở gạo của đơn vị. Hàng loạt bom từ máy bay trút xuống cày nát vùng đất phía sông Cho Mo, Tây Bắc làng Tân Mỹ (Mỹ Sơn, Ninh Sơn). Tôi và một chỉ huy nép mình vào thân cây dầu, lúc đó đã nghĩ mình khó sống sót khỏi trận ném bom này, nhưng rồi đã may mắn thoát được. Cứ thế, đơn vị tiến dần xuống đèo Cậu, Đắc Nhơn và sáng ngày 16-4-1975 đã có mặt tại trung tâm tỉnh Ninh Thuận. Ngày ấy tôi không tham gia tiếp quản cơ quan hành chính tỉnh vì sáng hôm sau (17-4), tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy dẫn quân truy kích tàn quân địch ở Mũi Điện (Phước Dinh, Thuận Nam).

Sinh năm 1935, tham gia cách mạng năm 1951, tập kết ra Bắc năm 1954 và trở về Nam năm 1961, tôi đã có mặt tại chiến trường Ninh Thuận từ đó cho đến ngày giải phóng. Trong ngần ấy năm chiến đấu, không biết bao lần tôi tận mắt chứng kiến đồng đội mình vĩnh viễn nằm xuống và bản thân tôi cũng không biết bao lần từng trải hoặc nhìn cảnh đồng đội mình đói cơm, thiếu thuốc. Là người trong cuộc, tôi hiểu rõ ý nghĩa trọng đại của ngày chiến thắng, thấm thía nỗi đau thương, mất mát, cho nên mỗi năm cứ vào tháng Tư, tôi lại bồi hồi nhớ về đồng đội cũ, về những năm tháng chiến đấu và không cầm được nước mắt khi nghĩ mình may mắn hơn các đồng đội đã hy sinh, còn được nhìn thấy quê hương và đất nước hoàn toàn giải phóng.

Ngày nay, trước sự thay đổi và phát triển của tỉnh nhà, tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi. Là đảng viên 58 tuổi Đảng, lại là hội viên Hội Cựu chiến binh địa phương, tuy sức khỏe đã kém, nhưng tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm cùng với mọi người giáo dục thế hệ trẻ tự hào và kế tục truyền thống lịch sử của cha ông, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp n

Đồng chí Phạm Tất Thắng
Nguyên chiến sĩ Biệt động:

Đã 42 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng nhưng trong ký ức, tôi không bao giờ quên được những gì xảy ra vào ngày 16-4-1975. Là chiến sĩ Biệt động thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, thuộc Đại đội Đặc công 314 hoạt động tại núi Cà Đú. Trước đó chúng tôi đã được cấp trên cho biết dự kiến sẽ giải phóng Ninh Thuận vào ngày 8-4, nhưng rồi do địch thiết lập "lá chắn thép" nên không thực hiện được. Rạng sáng ngày 16-4, trong tiếng bom đạn đinh tai của quân địch thả xuống hủy hoại các cầu cống trên đường 1A dẫn vào thị xã, từ đỉnh núi Cà Đú nhìn qua ống dòm (nhòm), tôi thấy rõ đoàn quân chủ lực đang tiến vào bất chấp sự oanh kích của máy bay địch. Tại ngã ba Cà Đú, tôi và đồng đội cùng nhập vào và dẫn đường cho đoàn quân tiến vào trung tâm thị xã. Ngay trong buổi sáng, tôi được lệnh tham gia cánh quân tiếp quản Trại Nguyễn Hoàng ở Tháp Chàm và chiều hôm đó lại nhận lệnh cùng 1 tiểu đội xuống chốt ở ngã ba Tấn Tài.

Không thể tả hết niềm vui của ngày tiếp quản thị xã, lần đầu tiên chúng tôi tự do đi lại trên đường phố trong trạng thái lâng lâng như mơ. Cũng từ ngày ấy và còn kéo dài mãi đến nay là sự bùi ngùi thương tiếc các đồng đội đã hy sinh trước đó 1 tuần, họ còn quá trẻ và đã không kịp nhìn thấy ngày quê hương giải phóng. Trong suốt 42 năm, ngần ấy thời gian với biết bao thay đổi, Ninh Thuận nói chung và Phan Rang-Tháp Chàm nói riêng đã mang bộ mặt mới, đời sống Nhân dân ngày càng nâng lên. Những nơi như ngã ba Cà Đú, bây giờ là khu dân cư đông đúc, có khu công nghiệp, có Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh, đường sá mở rộng 4 làn xe. Tôi đặc biệt ấn tượng với việc mọc lên Nhà máy bia Sài Gòn gần đó. Trong niềm hân hoan chung, tôi chạnh nhớ về những hang đá ở núi Cà Đú, nơi đã in dấu bao kỷ niệm của một thời. Năm năm trước, có dịp lên thăm lại, tôi đã không còn tìm thấy những tảng đá phẳng ngày xưa chúng tôi hay dùng làm ghế ngồi. Tôi mong sao di tích núi Cà Đú tiếp tục được tôn tạo, giữ gìn để những thế hệ sau có dịp về tham quan, ngưỡng vọng nơi cha ông mình từng lấy làm căn cứ hoạt động chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ n