Năm học này, Trường THPT DTNT Pi Năng Tắc có 52 HS khối 12. Đối với HS cuối cấp, nhà trường đã đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm. Thầy giáo Nguyễn Văn Tường, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với yêu cầu tất cả bài thi đều theo hình thức trắc nghiệm, ngoại trừ môn Ngữ văn, nhà trường đã thay đổi hướng kiểm tra từ tự luận sang hình thức trắc nghiệm; đồng thời trong bài kiểm tra 1 tiết cũng sẽ có câu hỏi tự luận để HS lấy điểm tối đa, tránh việc HS học lệch, với các câu hỏi và bài tập theo các mức độ: thông hiểu, nhận biết, vận dụng... nhằm giúp HS quen dần với quá trình đổi mới đề thi. Các tổ bộ môn đều có phương pháp dạy phù hợp để HS học tới đâu nắm chắc kiến thức tới đó. Đây là năm thứ ba nhà trường có HS khối 12 thi THPT quốc gia, với đội ngũ giáo viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm ôn thi, nhà trường đã phối hợp với các trường THPT trên địa bàn huyện Ninh Sơn, để các thầy, cô giáo có bề dày kinh nghiệm về trường ôn thi cho các em, bổ sung thêm kiến thức. Ngoài dạy và phụ đạo 2 buổi/ngày, trường có thuận lợi là HS nội trú, nên vào buổi tối các em được giáo viên trực tiếp phụ đạo, nhất là HS yếu.
Học sinh Trường THPT DTNT Pi Năng Tắc tăng cường học tiếng Anh qua máy chiếu.
Có mặt tại lớp 12A2 trong tiết học Giáo dục công dân (GDCD), chúng tôi cảm nhận được không khí tiết học sôi nổi với những tình huống giả định được dàn dựng giữa cô và trò, cùng sự phát biểu tích cực của HS, khác hẳn tiết học của môn học này những năm học trước khi các em chỉ xem là môn học phụ, ít chú tâm. Đồng thời, trong những tiết học đều được các em ghi chép cẩn thận, gạch đậm bằng bút dạ quang, với 2 màu mực xanh, đỏ trong vở để nhấn mạnh nội dung chính từng bài học. Cô giáo Thái Thị Thìn, giáo viên môn GDCD chia sẻ: Đây là lần đầu tiên môn GDCD đưa vào thi dưới dạng tổ hợp khoa học xã hội cùng với hai môn Lịch sử, Địa lý, vì vậy cả giáo viên và HS đều rất bỡ ngỡ. Để giúp các em học tốt, cuối mỗi bài học, giáo viên đưa ra nội dung cơ bản từng bài bằng các câu hỏi trắc nghiệm cho các em làm quen, trên nguyên tắc bám sát chương trình sách giáo khoa. Trong quá trình học, sẽ áp dụng các câu chuyện từ thực tế, từ đó yêu cầu học sinh nhận xét, đưa ra suy nghĩ, quan điểm của bản thân để HS nhớ bài học lâu hơn.
Tại Trường THPT Bác Ái, ngay từ đầu học kỳ 2, các em HS khối 12 đã được khảo sát nguyện vọng chọn môn thi và tổ chức chia lớp ôn thi ngoài giờ học chính khóa. Đồng thời, trong quá trình ôn tập, giáo viên sẽ giúp các em cách chọn trường, chọn nghề, giúp HS nhận thức được năng lực, sở trường của mình. Trên cơ sở đó, tư vấn cho HS chọn trường phù hợp với năng lực của bản thân. Thầy giáo Trần Việt Quốc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, trường có 85 HS lớp 12. Để đạt kết quả cao, các giáo viên tổ, bộ môn tham gia xây dựng đề cương ôn tập chi tiết từng bài, hướng dẫn HS cách học và làm trắc nghiệm với các môn Toán, tổ hợp môn khoa học tự nhiên và tổ hợp môn khoa học xã hội, cùng với đó, hàng tuần tổ chức các cuộc họp chuyên đề trao đổi chuyên môn giữa các bộ môn. Phương án ôn tập cho HS được trường thực hiện theo hình thức vừa học, vừa ôn tập, buổi sáng HS học theo chương trình chính khóa, buổi chiều ôn tập đến khi hoàn thành chương trình lớp 12 (dự kiến đầu tháng 4) mới tăng tốc ôn thi theo đề. Đến nay, trường đã cho HS đăng ký xong các bài thi theo tổ hợp. Qua đăng ký, 100% HS đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội.
Song song với các hình thức ôn thi, hai trường THPT trên địa bàn huyện Bác Ái sẽ tổ chức thi thử cho các em HS ngồi thi xen kẽ giữa 2 trường vào khoảng tháng 5. Thầy giáo Trần Việt Quốc cho biết thêm: Việc tổ chức những đợt thi thử sát đề thi mẫu THPT quốc gia sẽ giúp HS có dịp cọ xát với thực tiễn, làm quen với cách thức ra đề thi. Hơn nữa, không khí trong phòng thi giúp HS hiểu được tầm quan trọng của kỳ thi “2 trong 1” để các em có sự phấn đấu. Sau kết quả đợt thi thử, giáo viên biết được HS yếu môn gì, từ đó có kế hoạch củng cố thêm kiến thức cho các em.
Kim Thùy