Ngược thời gian về thời điểm tái lập tỉnh (tháng 4-1992), hệ thống GD&ĐT tỉnh ta tuy đã có bước phát triển so với trước, song nhìn chung mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học vẫn còn thiếu. Toàn tỉnh chỉ có 70 cơ sở giáo dục MN, 106 trường TH, 18 trường THCS và 5 trường THPT. Nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có trường lớp, tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học còn cao. Các mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; giáo dục ngoài công lập… cũng chưa có.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn trao đổi bài.
Được sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, 25 năm sau ngày tái lập tỉnh, ngành GD&ĐT đã có bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới, quy mô trường lớp, nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được củng cố và mở rộng, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên qua từng năm học, tạo thế và lực để ngành GD&ĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Theo đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT: Đến năm học 2016-2017, toàn tỉnh đã có 327 cơ sở giáo dục, bao gồm 91 trường MN, 236 trường phổ thông (TH, THCS, THPT) với hơn 133.900 HS ở các cấp học (so với năm học 1991-1992, số cơ sở giáo dục tăng 1,6 lần, số HS tăng 1,8 lần). Cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia, trong đầu năm học 2016-2017 không còn phòng học ca 3 ở các cấp học, đã đầu tư xây dựng mới 81 phòng, tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia 82/236 trường, đạt 34,7%, toàn ngành đã đạt 100,7%.
Không chỉ chuyển biến về quy mô, số lượng cơ sở giáo dục, những năm gần đây, chất lượng GD&ĐT cũng được nâng lên, tỷ lệ HS khá, giỏi các cấp học đều tăng, tình trạng lưu ban, bỏ học giảm. Đến nay, 100% xã, phường giữ vững được chuẩn về xóa mù chữ; 63/65 xã, phường, 5/7 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ HS TH học 2 buổi/ngày đạt 58%. Hệ thống các cơ sở đào tạo phát triển ổn định cả ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, khối giáo dục đại học, cao đẳng có 3 đơn vị, gồm: Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Viện Đào tạo và Khoa học Ứng dụng miền Trung, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận; khối giáo dục nghề nghiệp có các đơn vị: Cao đẳng Nghề, Trung tâm Dạy nghề Tấn Tài, Trung cấp Việt Thuận, Trung cấp Y tế và 3 Trung tâm GDTX-DN-HN.
Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận ứng dụng hiệu quả CNTT vào hoạt động dạy và học.
Cùng với những chuyển biến tích cực trong sự nghiệp giáo dục chung, 25 năm qua, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh cũng không ngừng được nâng lên. Đến nay, tất cả các xã miền núi đều có trường MN, TH, THCS khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đáp ứng yêu cầu dạy và học. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (5 trường), phổ thông dân tộc bán trú (11 trường) được thành lập, củng cố và phát triển, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo kết quả phổ cập giáo dục THCS bền vững ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Công tác giáo dục trẻ em khuyết tật được quan tâm chú trọng. Trong năm 2015, tỉnh ta đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Việc thành lập Trung tâm là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đánh dấu bước chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh, mở ra tương lai tươi sáng, giúp trẻ em khuyết tật tự tin, phấn đấu khẳng định mình trong cuộc sống, xã hội.
Giờ tập thể dục của các em học sinh Trường TH Nhị Hà (Thuận Nam). Ảnh: V.M
Bên cạnh hiệu quả từ hoạt động chuyên môn, điều đáng ghi nhận trong 25 năm qua là ngành GD&ĐT không ngừng nỗ lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD), linh hoạt tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, vận động phụ huynh, cộng đồng tham gia làm tốt công tác giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, môi trường học tập, phát huy tinh thần đoàn kết, tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục HS. Điển hình như Trường MN Ánh Sáng (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) vận động các nhà hảo tâm, phụ huynh HS đầu tư 5 tỷ đồng xây mới toàn bộ cơ sở vật chất, với 13 phòng học kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 500 trẻ từ 2-5 tuổi. Trường PTDTBT THCS Nguyễn Huệ (Bác Ái) vận động doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 10 máy vi tính, 20 giường tầng, 42 chiếc xe đạp, 2 phòng ở nội trú, nhà ăn và hàng trăm bình nước uống cho HS... Công ty CP Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi, Công ty CP Xây dựng 47 và Công ty TNHH Thành Phát tài trợ xây dựng 3 phòng học, khu vệ sinh, trang thiết bị, bàn ghế HS cho Trường TH Hậu Sanh (Ninh Phước) với kinh phí gần 1 tỷ đồng… Không chỉ hiệu quả từ các đơn vị giáo dục, điều đáng ghi nhận trong việc thực hiện công tác XHHGD của ngành còn thể hiện rõ trong việc hình thành và phát triển của loại hình MN ngoài công lập. Tuy mới hình thành và phát triển, song loại hình này đã và đang góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực trong Nhân dân, xã hội để tổ chức trường lớp, cùng hệ thống giáo dục MN công lập chăm sóc, giáo dục, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Đến nay, thông qua việc kêu gọi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường lớp, đóng góp hỗ trợ giáo dục…, hệ thống trường lớp MN ngoài công lập trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện với 184 cơ sở giáo dục, bao gồm 17 trường và 167 cơ sở nhóm, lớp, nuôi dạy hơn 7.700 trẻ.
Phát huy những kết quả đạt được, năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo, ngành GD&ĐT tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu vươn lên gặt hái những thành quả mới, huy động tốt mọi nguồn lực nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, HS, sinh viên tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần tự học, tự sáng tạo, phát huy truyền thống, nỗ lực vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của Nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh nhà văn minh, giàu đẹp.
Phạm Lâm
TÂM HUYẾT VÌ SỰ PHÁT TRIỂN QUÊ HƯƠNG
Nhà giáo ưu tú Phạm Hồng Cường,
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh
Năm 1992, khi tỉnh nhà tái lập, tôi được phân công đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Thời điểm ấy, nền kinh tế-xã hội của tỉnh còn nghèo nàn, đơn điệu; sự nghiệp giáo dục và đào tạo còn khó khăn, đội ngũ giáo viên thiếu thốn và chưa đồng bộ, cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhiều nơi học sinh Mầm non, Tiểu học còn phải học nhờ, học tạm…
25 năm sau ngày tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, diện mạo tỉnh ta ngày càng khởi sắc, đặc biệt là ở các xã vùng nông thôn, miền núi. Các chính sách an sinh xã hội được chú trọng. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân từng bước được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được chăm lo và có bước tiến nhảy vọt cả về chất lượng và quy mô trường lớp, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Công tác khuyến học-khuyến tài được quan tâm đẩy mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
Hướng về kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh, tôi mong thời gian tới ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giữ vững và phát triển toàn diện, trong đó chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục học sinh các cấp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh có thêm chính sách đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp cùng ngành Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh triển khai xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập và học tập suốt đời của Nhân dân n
Ông Hà Ngọc Tám,
Cán bộ hưu trí khu phố Khánh Sơn 1 (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải)
25 năm qua là chặng đường dài đầy thử thách đối với cán bộ và nhân dân tỉnh ta. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bộ mặt tỉnh nhà ngày càng khởi sắc, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi. Đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội của người dân từng bước được nâng cao qua từng năm. Các chính sách an sinh xã hội được chú trọng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo được chăm lo...
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh, tôi mong rằng giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Đó là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi công cuộc xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu mạnh. Tỉnh cũng cần quan tâm, đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng, tạo động lực cho sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó trọng tâm cần tập trung các nguồn lực cho phát triển kinh tế biển rõ nét.
P.LÂM - T.Diệp