Australia hỗ trợ Việt Nam bảo đảm chất lượng giáo dục trực tuyến

Trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục đại học Việt Nam và thế giới đang đứng trước thách thức phải đổi mới mô hình đào tạo. Và giáo dục trực tuyến đang và sẽ là một xu thế tất yếu mà người học lựa chọn.

Ngày 16/3, tại Hà Nội, Chính phủ Australia cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức hội thảo về bảo đảm chất lượng giáo dục trực tuyến, nhằm lấy ý kiến tham vấn về bộ công cụ được xây dựng để hỗ trợ các nước thành viên APEC trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục trực tuyến.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai bên. Ảnh: Dân trí

Bộ công cụ bảo đảm chất lượng trực tuyến lần đầu tiên được xem xét bởi 13 nền kinh tế thành viên của APEC vào tháng 10/2016 và hiện nay đang được thử nghiệm trước khi hướng đến sự thông qua tại APEC vào cuối năm 2017. Việt Nam là một trong ba quốc gia nhận được sự hỗ trợ tại chỗ trong dự án này.

Bộ công cụ này hình thành một loạt các tiêu chí có thể giúp các tổ chức bảo đảm chất lượng đánh giá được các chương trình đào tạo và các trường đại học đo lường được chất lượng của các chương trình đào tạo trực tuyến và bán trực tuyến.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, Australia luôn là một trong những nước dẫn đầu cấp học bổng cho Việt Nam với trên 400 học bổng/năm theo các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn.

Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh, công tác bảo đảm chất lượng giáo dục luôn được phía Australia quan tâm, trong khi đó, ở Việt Nam, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học mới được chú trọng hơn 10 năm trở lại đây và đang có nhiều biến chuyển rất tích cực.

Tính đến nay, hơn 90% các cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 32 cơ sở đã được đánh giá ngoài và 16 cơ sở đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Ngoài ra có 84 chương trình đào tạo đã được đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ 4.0, giáo dục đại học Việt Nam và thế giới đang đứng trước thách thức phải đổi mới mô hình, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh. Theo đó, người học sẽ được chủ động lựa chọn chương trình học phù hợp nhất với mình. Như vậy, giáo dục trực tuyến đang và sẽ là một xu thế tất yếu mà người học lựa chọn.

Tại Việt Nam, 23 cơ sở giáo dục đã đưa chương trình giáo dục trực tuyến vào giảng dạy với hơn 87.000 sinh viên tham gia học tập, trong đó, Trường Đại học Mở TPHCM và Viện Đại học Mở Hà Nội là hai cơ sở hoạt động tích cực cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến. Do vậy, việc sớm nghiên cứu và có những quy định để bảo đảm chất lượng cho mô hình đào tạo tiên tiến này là cần thiết.

Để đẩy mạnh công tác bảo đảm chất lượng giáo dục trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương sử dụng các quy trình và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới, trước mắt là các tiêu chuẩn đánh giá của mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN; tham khảo và học tập các mô hình kiểm định chất lượng của các nước tiên tiến trên thế giới mà một trong các lựa chọn hàng đầu chính là Australia.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho biết, Chính phủ Australia cam kết hỗ trợ công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam và nhấn mạnh rằng nâng cao chất lượng và mở rộng cơ hội tiếp cận là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của Việt Nam trong tương lai.

Giáo dục trực tuyến có tiềm năng mang lại nhiều hơn những cơ hội tiếp cận các khóa học được công nhận trên toàn thế giới mà người học không cần bỏ ra chi phí di chuyển xuyên quốc gia. Sự phát triển này sẽ cung cấp những cơ hội đáng kể cho các trường đại học của Việt Nam và Australia.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Australia và Việt Nam đã cùng thảo luận về các phương hướng cũng như thách thức của Việt Nam trong kiểm định giáo dục trực tuyến, từ đó xem xét các giải pháp để bộ công cụ có thể hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh quá trình bảo đảm chất lượng.

Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Cơ quan tiêu chuẩn và chất lượng giáo dục đại học Australia (TEQSA) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng.

Nguồn www.chinhphu.vn