Thuận Bắc trên đường đổi mới, phát triển

(NTO) Sau 25 năm tái lập tỉnh và 12 năm thành lập (năm 2005), với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, đến nay, huyện Thuận Bắc đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Quay lại thời điểm 12 năm trước, khi mới thành lập, huyện Thuận Bắc gặp rất nhiều khó khăn; kinh tế-xã hội của huyện hầu như chưa có gì. Là huyện thuần nông nhưng diện tích sản xuất hạn hẹp (31.992 ha), trong đó phần lớn diện tích là trung du và đồi núi, đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 26,5%; công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp ít, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Quy mô dân số năm 2005 chỉ có 36.533 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 69%; trình độ dân trí, trình độ lao động thấp; đời sống của đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, đây là một thách thức lớn cho công cuộc đổi mới và phát triển của huyện.

 
Thuận Bắc trên đường phát triển.

Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển, Bí thư Huyện ủy cho biết: Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Bắc đã sớm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, quản lý điều hành của các cấp chính quyền; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực, sự chủ động sáng tạo và nỗ lực vươn lên của cán bộ và Nhân dân cùng với sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh, Thuận Bắc đã từng bước khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế để xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp.

Có thể nhận thấy, sau 12 năm xây dựng và phát triển, tình hình kinh tế-xã hội của huyện có nhiều chuyển biến rõ nét, quy mô nền kinh tế tăng trưởng khá, giá trị sản xuất các ngành tăng gấp 11,3 lần so với năm 2005; thu ngân sách tăng 98 lần, cơ cấu kinh tế chuyển hướng đúng định hướng; công nghiệp-xây dựng chiếm 53%, nông nghiệp chiếm 36%, dịch vụ chiếm 11%. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đúng mức. Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện đã tập trung xây dựng hạ tầng thủy lợi, giao thông, cấp nước, y tế, giáo dục, đặc biệt là đầu tư xây dựng 2 hồ chứa nước lớn, với quy mô trên 36 triệu m3; xây dựng 68,5 km kênh mương các loại, đầu tư mới trạm bơm Mỹ Nhơn, hệ thống kênh mương cánh đồng Nhíp, hệ thống thủy lợi Xóm Bằng, qua đó đã nâng diện tích chủ động nước lên 3.490 ha, chiếm 50,55% diện tích sản xuất toàn huyện; giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác vùng chủ động nước được nâng cao từ 21 triệu đồng/ha (năm 2005), đến nay đã đạt trên 60 triệu đồng/ha. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư mới, nâng cấp gần 60 km, 6/6 xã có đường ô tô đến trung tâm. Trong điều kiện là vùng khô hạn nhất của tỉnh, huyện cũng đã tập trung đầu tư nâng cấp mới 8 nhà máy cấp nước sinh hoạt nâng tỷ lệ hộ dân được cấp nước sinh hoạt đạt 93,2%. Hạ tầng về y tế, giáo dục đặc biệt quan tâm, hoàn thành Bệnh viện Đa khoa huyện quy mô 50 giường, 6/6 xã có trạm y tế, trong đó 5/6 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Mạng lưới trường học được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em trong huyện. Đến nay, toàn huyện có 24 trường học, trong đó 9 trường đạt chuẩn quốc gia, các khu vực đồng bào dân tộc, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đều có điểm trường.

 
Giờ tập thể dục của học sinh Trường TH Suối Giếng.

Điểm nhấn trong thành tựu nổi bật của huyện Thuận Bắc đó là công tác xóa đói, giảm nghèo đã đạt được kết quả vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,1% vào năm 2005 xuống còn 14,7% vào năm 2015 (theo chuẩn cũ) và 38,22% theo chuẩn mới cuối năm 2016. Các chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ và kịp thời, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công cách mạng luôn được thực hiện đầy đủ. Đến nay, huyện đang chăm sóc cho 1.589 đối tượng là người có công cách mạng; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 89%. Đời sống nhân dân có bước cải thiện rõ nét, bộ mặt kinh tế-xã hội khu vực miền núi có sự chuyển biến tích cực; huyện đã cấp 41,8 ha đất cho 230 hộ đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất.

Tuy đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng hiện nay điều kiện kinh tế-xã hội của Thuận Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 16 triệu đồng/năm, bằng 53% so với bình quân của tỉnh. Đời sống của đại bộ phận nhân dân tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, nhiều dự án quy mô lớn chậm triển khai đã ảnh hưởng không nhỏ đếntiến trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

 
Hiệu quả kinh tế từ cây bắp lai đã góp phần nâng cao đời sống của người dân xã Lợi Hải. Ảnh: V.M

Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển cho biết thêm: Xuất phát từ tình hình trên, đòi hỏi trong thời gian đến, Đảng bộ và nhân dân huyện Thuận Bắc phải nỗ lực vươn lên vượt bậc, phải có bước phát triển nhanh hơn, xác định hướng đi riêng tạo sự đột phá, tìm ra những giải pháp khả thi; tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng thời cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của Trung ương và của tỉnh. Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu: Tập trung phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, lấy sản xuất nông nghiệp là nền tảng, thúc đẩy phát triển nhanh ngành công nghiệp-dịch vụ. Phấn đấu giá trị sản xuất các ngành tăng bình quân hằng năm từ 15-16%/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 4-5%; giải quyết việc làm mới cho 4.500-4.800 lao động.

Với những nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, và toàn thể nhân dân huyện nhà, tin rằng Thuận Bắc sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đưa huyện nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

TÂM HUYẾT VÌ SỰ PHÁT TRIỂN QUÊ HƯƠNG

Đồng chí Nguyễn Đăng Mười

Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm)

Nhìn lại chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển của tỉnh, tôi rất vinh dự và tự hào khi được chứng kiến sự đổi mới về mọi mặt của quê hương qua từng năm. Với những thành tựu này chắc chắn sẽ cho chúng ta thêm động lực mới để tiếp tục phấn đấu, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Mặc dù được “sinh sau đẻ muộn” nhưng qua 9 năm, kể từ khi thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Mỹ Bình luôn nỗ lực, đoàn kết vươn lên xây dựng địa phương ngày càng phát triển, theo định hướng: “Công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, nông nghiệp”. Đến nay, trên địa bàn phường có nhiều công trình trọng điểm được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư, xây dựng, tạo tiền đề giúp người dân phát triển kinh tế- xã hội, diện mạo khu đô thị mới ngày càng rõ nét. Phát huy những thành tựu đã đạt được, thời gian tới, phường Mỹ Bình tiếp tục phát huy nguồn lực trong dân và vận động các nhà đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương theo hướng phát triển kinh tế đô thị... qua đó cùng với nhân dân trong tỉnh góp sức xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày thêm giàu đẹp n

Bác sĩ Trần Văn Hương

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Hải

Từ khi tái lập tỉnh cho đến nay, ngành Y tế tỉnh nhà luôn nhận được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương các cấp. Nhờ vậy, công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh được xây mới và mở rộng từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh cũng “ưu ái” cho ngành Y tế trong việc hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, thu hút nguồn nhân lực. Từ đó, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên. Tỉnh cũng luôn chú trọng vấn đề y đức của người thầy thuốc, do đó thái độ phục vụ của cán bộ ngành Y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân.

Tôi hy vọng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đến sự phát triển của ngành Y tế, nhất là hỗ trợ nguồn ngân sách để các cơ sở y tế đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Đặc biệt, chú trọng tới công tác y tế cơ sở thông qua chính sách hỗ trợ cho đội ngũ y tế thôn bản để họ yên tâm gắn bó với công việc.