Góp ý Dự thảo Đề án về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh

(NTO) Ngày 14-3, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Dự thảo Đề án về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Đề án). Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.

 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
 
 
Đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Đề án cụ thể hóa NQ 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các Nghị quyết chuyên đề khác về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phấn đấu đến năm 2030, chuyển đổi bền vững trên 8.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cỏ chăn nuôi công nghiệp và cây ăn quả… có hiệu quả kinh tế cao, trong đó từ nay đến năm 2020 chuyển đổi khoảng 2.200 ha. Theo đó, Đề án nêu ra 9 cơ chế, chính sách hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản; Hỗ trợ nhân rộng tưới tiết kiệm nước; Hỗ trợ chuyển đổi lúa nước sang cây trồng cạn, cỏ chăn nuôi, cây ăn quả; Hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Hỗ trợ khuyến khích tích tụ, tập trung đất cho sản xuất nông nghiệp. Mỗi cơ chế, chính sách nêu rõ mức hỗ trợ, điều kiện, đối tượng, hồ sơ hỗ trợ…

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo các ngành, địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành lập tổ soạn thảo Đề án để tập trung thảo luận, thống nhất, hoàn chỉnh nội dung đề án trong tháng 3-2017, trình HĐND tỉnh xem xét thông qua. Cần sắp xếp cơ chế, chính sách theo thứ tự ưu tiên, tập trung vào các ngành đòn bẩy để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ chính sách cho các loại cây trồng, vật nuôi trọng tâm là thế mạnh của tỉnh. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là đơn vị đầu mối tổng hợp, tiếp thu có chọn lọc những ý kiến của các ngành, địa phương để xây dựng dự thảo chặt chẽ và có tính khả thi cao hơn.