Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có trên 39.300 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó riêng ngành nông nghiệp và PTNT có gần 30.760 cơ sở; ngành y tế có 4.480 cơ sở, số còn lại thuộc ngành công thương. Trong tổng số nói trên chỉ có gần 3.470 cơ sở thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (nhưng thực tế số được cấp cũng chỉ mới chiếm trên 43%). Như vậy, còn lại trên 35.840 cơ sở không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận và theo phân cấp thì thuộc thẩm quyền quản lý từ cấp huyện, thành phố đến xã, phường. Trong số này đáng lo ngại nhất là nguy cơ xảy ra mất ATTP ở các chợ, hộ bán thức ăn đường phố và bán hàng rong là không nhỏ. Bởi còn nhiều vấn đề về nguồn gốc thực phẩm, nguồn nước, điều kiện bảo quản thực phẩm,…
Quán ăn đường phố khu vực chợ Phan Rang. Ảnh: Sơn Ngọc
Khách quan mà nói, trong những năm qua công tác quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng. Đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; một số mô hình từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn đã tạo được sự quan tâm, thu hút người tiêu dùng… Tuy nhiên, trước tình trạng mất ATTP đang xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước nói chung đã gây tâm trạng bức xúc, lo lắng trong xã hội.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân thật sự tin vào thực phẩm an toàn từ các sản phẩm lưu thông trên thị trường, nhất là tại các chợ nông thôn, chợ lưu động…?. Theo các chuyên gia, đầu tiên các cấp, ngành nhất là chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ATTP, về các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết về ATTP; khơi dậy, phát huy ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình và từng người dân để bảo đảm ATTP, nhất là trong sản xuất, chế biến, kinh doanh. Tránh làm theo đợt, phong trào, thời vụ. Không thể để cho những người vì chạy theo lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Một trong những biện pháp quan trọng nữa là tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Đã đến lúc phải coi hành vi buôn bán, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn là tội ác. Những vi phạm nghiêm trọng phải được xử lý thích đáng, thậm chí truy tố trước pháp luật. Song song với việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, vấn đề quan trọng không kém là tạo ra “nguồn” thực phẩm sạch bằng việc thực hiện cho tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống và các hộ bán thức ăn đường phố, bán hàng rong phải ký cam kết với địa phương thực hiện các quy định về ATTP...
Để tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên đất nước ta nói chung đều là thực phẩm an toàn, tất nhiên không thể thực hiện trong một sớm, một chiều mà phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách vừa lâu dài, phải kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện từ các cấp chính quyền và ngành chức năng; đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng…
HH