Trong năm 2016, thành phố đã đưa 13/15 lao động (LĐ) sang làm việc ở nước ngoài (trong đó Nhật Bản 8 LĐ, Malaysia 2 LĐ, Hàn Quốc 3 LĐ). Hầu hết LĐ đều có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, chấp hành nghiêm pháp luật của nước sở tại trong quá trình sinh sống và làm việc, không có tình trạng bỏ trốn, về nước trước thời hạn. Người LĐ làm việc ở nước ngoài với mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/LĐ/tháng tại thị trường Malaysia và trên 20 triệu đồng/LĐ/tháng tại các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản đã giúp LĐ sớm hoàn trả được nguồn vốn vay chi phí cho XKLĐ và tích lũy vốn làm kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình. Tiêu biểu như chị Võ Thị Thu Thảo, ở thôn Tân Sơn 2 (xã Thành Hải) XKLĐ tại Hàn Quốc năm 2010, về nước năm 2015. Trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc, chị đã tích lũy được 800 triệu đồng với thu nhập bình quân 25 triệu đồng/tháng. Số tiền dành dụm được, chị phụ gia đình xây căn nhà 2 tầng, với tổng chi phí 1,3 tỷ đồng, góp phần giúp gia đình ổn định cuộc sống. Hiện chị Thảo đang hoàn thiện thủ tục tái xuất cảnh Hàn Quốc trong năm 2017. Hay như trường hợp của anh Trương Văn Uyên, ở phường Phước Mỹ, XKLĐ sang Hàn Quốc được 6 năm. Trong quá trình làm việc, anh đã dành dụm được 1,5 tỷ đồng với mức lương xấp xỉ 25 triệu đồng/tháng, công việc chủ yếu là sản xuất, chế tạo (lắp quạt gió cho ô tô). Số tiền tích lũy được, anh dùng mua 4 lô đất (2 lô đất nông nghiệp và 2 lô đất thổ cư) và kinh doanh, 1 lô có nhà hiện đang kinh doanh quán phở và sinh sống. Anh Uyên chia sẻ: Nhờ XKLĐ nên cuộc sống hiện giờ của anh rất ổn định, góp phần giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn và vươn lên làm giàu.
Theo đánh giá của ngành chức năng, LĐXK trên địa bàn thành phố chủ yếu qua thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc do thu nhập ở 2 thị trường này tương đối cao. Tuy nhiên, thị trường Hàn Quốc tuyển dụng LĐ rất ít, người LĐ muốn được đi làm việc tại Hàn Quốc phải chờ đợi rất lâu. Riêng XKLĐ tại Nhật Bản yêu cầu trình độ học vấn của người LĐ không quá cao, phỏng vấn cũng dễ dàng hơn, thu nhập lại cao nên LĐ thành phố rất quan tâm đến thị trường này. Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn cho biết: Khi tới Nhật Bản làm việc, người LĐ được hưởng nhiều quyền lợi, mức lương thấp nhất sau khi trừ chi phí khoảng 20 triệu đồng/tháng, còn nếu làm thêm có thể đạt 50-60 triệu đồng/tháng. Khi về nước, các LĐ đều có việc làm ổn định, với các nghề như phiên dịch, giáo viên hoặc làm việc trong những công ty Nhật Bản tại Việt Nam; 3 năm trở lại đây, cơ hội đến làm việc tại Nhật Bản dễ dàng hơn, ngành nghề cũng dễ lựa chọn, không đòi hỏi trình độ cao, tùy theo năng lực, sở trường của người LĐ.
Với những kết quả đạt được, trong năm 2017, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm phấn đấu đưa 30 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để hoàn thành mục tiêu trên, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền đối với công tác XKLĐ, sự tham gia đồng bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về công tác XKLĐ. Chú trọng việc tư vấn trực tiếp cho người LĐ, lồng ghép nội dung trong các buổi sinh hoạt thôn, khu phố, hội, đoàn thể… Tăng cường công tác tạo nguồn XKLĐ, trong đó đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với XKLĐ. Đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng cho người LĐ học nghề, học ngoại ngữ để tham gia XKLĐ; phối hợp thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ XKLĐ cũng như lồng ghép có hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm của Nhà nước để khuyến khích người LĐ tham gia XKLĐ…
Đồng chí Bùi Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Với quyết tâm cao nhất, ngay từ đầu năm, thành phố đã tiến hành tổ chức hội nghị tư vấn XKLĐ nhằm tuyên truyền, tư vấn đến lực lượng LĐ trên địa bàn về lợi ích, các thủ tục khi XKLĐ. Ngoài ra, thành phố cũng giao chỉ tiêu XKLĐ cho các phường, xã ngay từ đầu năm, trong đó chú trọng đến đối tượng thanh niên thuộc hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ, các đối tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn, qua đó góp phần tạo thu nhập, tích lũy vốn, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Thế Quang